Đổi thay ở Hướng Việt  

(QT) - Nằm về phía Bắc, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 50 km, Hướng Việt là một trong 13 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa. Toàn xã hiện có 303 hộ với 1.409 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, sinh sống ở 5 thôn, bản. Hướng Việt có tổng diện tích tự nhiên 5.944,32 ha, trong đó đất có khả năng sử dụng nông nghiệp, lâm nghiệp hơn 5.300 ha; điều kiện thời tiết, khí hậu khá thuận cho sự phát triển các loại cây trồng và vật nuôi.

 

Trường mầm non Hướng Việt, Hướng Hóa đã được xây dựng khang trang

 

Những năm trước đây, do phương thức canh tác lạc hậu, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn, nông sản làm ra chủ yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày nên đời sống của người dân rất chật vật, thiếu thốn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 134, 135, chương trình biên giới, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ, các công trình cơ sở hạ tầng như điện lưới quốc gia, đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, nhà sinh hoạt cộng đồng, thuỷ lợi, nước tự chảy... đã được đầu tư xây dựng phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

 

Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong huyện đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tạo thuận lợi để người dân trên địa bàn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Chính quyền địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền vận động dân bản thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy nội lực, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo, làm giàu. Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Văn Thành cho biết, nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, được sự quan tâm của nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và các mô hình sản xuất lúa nước ở các thôn Tà Rùng, Ka Tiêng, Chai, Xa Đưng, Trăng - Tà Puồng, xã đã chỉ đạo và tạo điều kiện để dân bản khai hoang đất bằng gieo cấy lúa nước hai vụ, đưa phân chuồng vào chăm bón, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy đại trà.

 

Nhờ đó, diện tích và sản lượng lúa nước đều tăng, đến nay toàn xã có 82,5 ha lúa nước, sản lượng đạt 247,5 tấn, tăng 45,12 tấn so với năm 2015. Mặt khác, tận dụng đất ven triền đồi nương rẫy, người dân đã tập trung thâm canh, mở rộng diện tích cây sắn, ngô, khoai lang, các cây họ đỗ, trồng cây ăn quả, cây bời lời và chăn nuôi trâu bò đàn, lợn, dê, các loại gia cầm. Toàn xã đã trồng 172,7 ha cây bời lời, 125 ha sắn, 54 ha lúa rẫy, 10 ha ngô, 10 ha cà phê, 16 ha cây ăn quả, đàn trâu 256 con, bò 510 con, 656 con lợn, 227 con dê, hơn 3.200 con gia cầm các loại. Hiện trên địa bàn xã có 30 ha/172,7 ha cây bời lời đã cho thu hoạch với số tiền thu được từ 80 đến 100 triệu đồng/ ha.

 

Cùng với những đổi thay về kinh tế, văn hoá, xã hội đều có những chuyển biến tích cực. Số lượng và chất lượng của các bậc học hàng năm đều tăng. Hiện xã có 121 cháu mầm mon, 162 học sinh tiểu học, 121 học sinh trung học cơ sở; cơ sở vật chất trường lớp các bậc học đều được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang, các trang thiết bị phục vụ dạy và học được tăng cường. Trạm y tế xã phối hợp với quân y đồn biên phòng triển khai có hiệu quả các chương trình y tế, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu cư đã được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực.

 

5/5 thôn và 2 đơn vị trường học đã được công nhận danh hiệu văn hoá các cấp, trong đó có 3/5 thôn được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng văn hoá xuất sắc cấp tỉnh. Các hoạt động tình nghĩa và chính sách xã hội luôn được quan tâm. Tình đoàn kết trong bản làng ngày càng thắt chặt. Duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân xã Hướng Việt với 2 xã Ra Cồ, Ra An (Lào) và quy chế kết nghĩa bản- bản đối diện qua biên giới giữa bản Ka Tiêng của xã với bản A Via của bạn Lào. Lực lượng công an, dân quân của xã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan và Đồn Biên phòng Cù Bai tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Nguyễn Đình Phục

 

 

1263 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 790
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 791
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77137667