Phóng viên (PV): Thưa Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong thời qua, dưới góc nhìn cải cách Tư pháp, ngành tòa án đã có nhiều đổi mới mang lại hiệu quả nhất định được người dân và dư luận ghi nhận. Xin Chánh án cho biết nét cơ bản của những đổi mới này?
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình: Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, trong tiến trình cải cách Tư pháp, Tòa án đã triển khai rất nhiều giải pháp đổi mới nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo cho hoạt động của Tòa án và tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền con người, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là các chức danh tư pháp. Đích cuối cùng chính là nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu của người dân, của pháp luật, của Hiến pháp.
Hướng đến mục tiêu như vậy, rất nhiều giải pháp đã được chúng tôi triển khai.
Việc đầu tiên là chúng tôi đã triển khai đổi mới hoạt động của tòa án để đảm bảo thực thi nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Đây là một nguyên tắc đã được Hiến định và cũng đã được ghi trong các đạo luật. Với việc thực hiện các nguyên tắc tranh tụng thì ngày càng xuất hiện nhiều vụ án có tranh tụng. Theo đó, hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian tranh tụng; nội dung của quá trình tranh tụng đều phải được giải quyết đến cùng và được ghi nhận trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử tuyên án, quyết định trên cơ sở kiểm tra chứng cứ công khai tại tòa và kết quả của quá trình tranh tụng. Vì vậy, rất nhiều các vụ án mà xã hội quan tâm như các vụ tham nhũng kinh tế lớn, tinh thần tranh tụng đã được thể hiện rất rõ và ngày càng nhiều.
Đổi mới thứ hai là công khai các bản án và các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án trên Cổng thông tin điện tử (bắt đầu từ 1/2017). Cho đến nay, chúng tôi đã công bố hơn 150 nghìn bản án và các quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Đổi mới thứ ba là chúng tôi đã triển khai mô hình phòng xét xử mới theo quy định của luật. Việc triển khai này thể hiện tính nhân đạo của nền tư pháp có tranh tụng. Theo đó, chúng tôi đã bỏ vành móng ngựa và thay thế bằng bục khai báo. Bởi theo quy định của luật thì một người chỉ được xem là có tội khi bản án của tòa có hiệu lực, cho nên vành móng ngựa không còn thích hợp theo quy định mới của luật nữa.
Mặt khác, chúng tôi cũng đã bố trí chỗ ngồi của luật sư và chỗ ngồi của viện kiểm sát trên cùng một mặt phẳng thể hiện một tinh thần tranh tụng bình đẳng, ngang nhau. Chúng tôi cũng bố trí khu vực cho các cơ quan tiến hành tố tụng rộng hơn, có giải ngăn cách để thể hiện một phòng xét xử nghiêm túc, trang trọng... Việc đổi mới này không chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức mà còn chứa đựng trong đó ý nghĩa về nội dung của hình thức tranh tụng.
Thứ tư, chúng tôi đã thành lập lại hệ thống tòa chuyên trách, trong đó có thành lập tòa gia đình và vị thành niên. Song song với đó là triển khai phòng xét xử thân thiện để xét xử các vụ án hôn nhân, gia đình và các vụ án có đương sự là vị thành niên.
Một trong những bước đổi mới khác mà dư luận, người dân rất quan tâm thời gian qua là chúng tôi đã xây dựng lại các phần mềm cổng thông tin điện tử của tòa án cấp cao và tòa án các tỉnh, cho phép việc tiếp cận đơn thư khởi kiện của người dân qua hệ thống cổng thông tin điện tử. Đây là bước đổi mới rất tiến bộ, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, điều này cũng là áp lực rất lớn đối với ngành tòa án.
PV: Áp dụng nhiều phương thức đổi mới như vậy, song trong bối cảnh không được phát sinh bộ máy, phải tinh giảnbiên chế, ngành Tòa án đã có giải pháp như thế nào để khắc phục điều này, thưa Chánh án?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Có thể nói, công việc của tòa án tăng lên cùng năm tháng. Sau 6 năm (từ năm 2012), số lượng vụ việc tăng lên gấp đôi với số vụ phải thụ lý trong năm 2018 là 540 nghìn vụ. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập thì lượng vụ việc tăng lên, tính chất phức tạp hơn và nhất là có yếu tố nước ngoài... là một áp lực cho đội ngũ thẩm phán.
Trong điều kiện như vậy, chúng tôi vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, không có cách nào khác là phải tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả năng suất lao động, cũng như tìm kiếm những biện pháp khác để giảm tải cho thẩm phán.
Trong đó, việc tăng cường hòa giải, đối thoại trong các vụ án dân sự và hành chính là một trong những giải pháp căn cơ... Theo đó, chúng tôi đã tiến hành thí điểm hòa giải tại Hải Phòng. Kết quả là 76% các vụ việc tranh chấp đã được giải quyết bằng hòa giải và việc này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu ứng tích cực khi triển khai trên toàn quốc. Trên cơ sở thành công ở Hải Phòng, chúng tôi đang triển khai thí điểm tại 16 địa phương, nhất là các địa phương có quy mô tính chất vụ án lớn và phức tạp như TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng... Có thể nói, việc hòa giải được xem là giải pháp căn cơ để giải quyết tranh chấp, bất đồng trong xã hội một cách thân thiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội làm cơ sở để giữ gìn đại đoàn kết trong dân, giữ gìn an ninh trật tự.
PV: Được biết, Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia mới ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán nhằm tăng cường liêm chính. Xin Chánh án chia sẻ quan điểm về liêm chính trong hoạt động Tư pháp và làm thế nào để Bộ Quy tắc ứng xử thầm phán đi vào thực tiễn một cách hiệu quả?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh kết quả của việc đổi mới mang lại trong hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử nói riêng thì cũng còn những cán bộ tư pháp, kể cả thẩm phán có những vi phạm, suy thoái về đạo đức, phẩm chất làm chất lượng xét xử giảm, tạo nên băn khoăn, nghi ngờ trong người dân. Tình trạng này không nhiều nhưng vẫn còn.
Cùng với giải pháp về đào tạo, thi tuyển, kỷ cương, kỷ luật, chúng tôi cũng hướng đến mục tiêu là xây dựng chất lượng đạo đức của thẩm phán. Do đó, bên cạnh đề cao kỷ cương, kỷ luật thì Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia cũng đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán thì liêm chính là một trong những phẩm chất hàng đầu được đề cập. Mục tiêu của Bộ quy tắc nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, hướng đến xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp, liêm chính có kiến thức pháp luật, có kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng về xây dựng chỉnh đốn đảng, chúng tôi cũng đã ban hành quy định xử lý trách nhiệm đối với các thẩm phán khi để xảy ra sai sót do lỗi chủ quan những bản án sai, phải sửa do lỗi chủ quan thì phải chịu hậu quả là dừng bổ nhiệm, không phân công công tác, chuyển đổi vị trí…
PV: Xin trân trọng cảm ơn Chánh án!
Quý Châu