Tài nguyên thiên nhiên, lao động, vốn liếng... là hữu hạn, còn nguồn lực trí tuệ, khả năng sáng tạo là vô hạn. Để phát triển khoa học công nghệ một cách thiết thực, hiệu quả, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, tháng 5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Tư tưởng của Bác đã tạo tiền đề quan trọng để Đảng và Nhà nước ta kế thừa và phát triển đường lối, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách về khoa học và công nghệ, xem phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực và lực lượng sản xuất trực tiếp. Nghị quyết 19/2017/NQ-CP tái khẳng định vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của quốc gia, đồng thời chỉ ra việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có liên hệ và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội.
Việt Nam có các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ cao trở thành doanh nghiệp toàn cầu như FPT, Viettel…; các doanh nghiệp không ngừng đổi mới công nghệ, sản phẩm, kỹ năng kinh doanh, tham gia thị trường toàn cầu như Vinamilk, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Trung Nguyên với thương hiệu cà phê, Công ty Robot TOSY với thành công trong việc xuất khẩu đồ chơi đĩa bay sang Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, NAISCORP với sản phẩm công cụ tìm kiếm tiếng Việt được cho là có thể cạnh tranh với Google trong thị trường tìm kiếm tại Việt Nam, Tập đoàn TH True Milk, Tập đoàn Sơn Kova…
Quảng Trị hiện nay cũng có doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh tương đối lớn, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: Công ty CP gỗ MDF VRG thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Bia Hà Nội-Quảng Trị thuộc Tổng công ty Bia, Rượu và Nước giải khát Hà Nội, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Qua thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp này cho thấy nếu có môi trường thuận lợi thì sẽ không ít những doanh nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Và không lâu sau, một số trong số ấy sẽ trở thành những doanh nghiệp sáng tạo về tri thức, có thể cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế, làm thay đổi bộ mặt kinh tế của đất nước, địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp sáng tạo số lượng không nhiều, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới 95%, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn, nhân công và nguồn nguyên liệu thô sẵn có trong nước, hay tham gia lắp ráp, gia công trong một chuỗi giá trị nào đó ít có sáng tạo để đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ và kỹ năng quản lý, quản trị kinh doanh của doanh nghiệp mình. Việc đầu tư và tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp này còn rất hạn chế, chưa có những chính sách thích đáng và phù hợp để khuyến khích mạnh các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác liên kết với các doanh nghiệp FDI có công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các công trình, đề tài nghiên cứu chưa được ứng dụng mạnh vào thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, khoảng cách từ phòng thí nghiệm tới sản xuất - kinh doanh còn khá xa, năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ ở các tổ chức nghiên cứu nhà nước còn bất cập, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi đó, đầu tư của xã hội cho lĩnh vực này còn chưa được huy động một cách hiệu quả. Hệ thống khuôn khổ pháp lý của các doanh nghiệp cho sản xuất, kinh doanh nói chung và cho việc sáng tạo nói riêng như pháp luật về sở hữu trí tuệ, về bản quyền, về tín dụng, thuế, đầu tư mạo hiểm còn bất cập, chưa khuyến khích được sự sáng tạo, văn hóa sáng tạo của các doanh nghiệp và người dân.
Nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cho dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí trên nhiều lĩnh vực và sự chuẩn bị của các doanh nghiệp để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới còn nhiều bất cập. Môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện về thể chế, về thủ tục hành chính, nhưng khâu thực thi vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Điều đó cho thấy, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề cập tới những giải pháp để phát triển nền kinh tế nước ta, đưa nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sớm trở thành nước công nghiệp. Đó là những vấn đề về đổi mới mô hình tăng trưởng, từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu; lấy phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp làm trọng tâm; nâng cao nguồn lực con người có tri thức và trí tuệ làm khâu đột phá…
Bởi vậy, để đẩy mạnh sự phát triển doanh nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện nay nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và sáng tạo ở Việt Nam, cần triển khai các giải pháp như: Hình thành các văn bản pháp lý thừa nhận và thúc đẩy sự phát triển của loại hình doanh nghiệp sáng tạo trong nền kinh tế nước ta. Xây dựng cơ chế pháp lý đặc biệt cho khởi nghiệp sáng tạo, thừa nhận chính thức hoạt động đầu tư đặc thù bằng các chỉ thị và văn bản dưới luật để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp như thành lập hệ thống quỹ đổi mới, sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ…
Việc xây dựng và thực thi chính sách cần có sự tham vấn, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan và địa phương để có sự đồng bộ và phát huy tác dụng, hiệu quả cao nhất. Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các lĩnh vực như cấp chứng nhận đầu tư, thuế, hải quan, bảo hiểm, tín dụng… Qua đó làm thông thoáng môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành sản xuất và kinh doanh, yên tâm sáng tạo trong nền kinh tế. Tạo lập các chính sách để thúc đẩy và xây dựng nền văn hóa sáng tạo trong doanh nghiệp, qua đó kích thích sự sáng tạo và phát triển văn hóa sáng tạo trong doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của các cá nhân, các tập thể có trí tuệ và sự say mê sáng tạo vô tận để tạo ra các sản phẩm độc đáo, khác biệt, có giá trị gia tăng cao, góp phần to lớn thúc đẩy tăng trưởng tại chính các doanh nghiệp và từng bước hình thành nền kinh tế tri thức ở nước ta. Việt Nam đang xúc tiến chương trình khởi nghiệp quốc gia, đây là cách mà chúng ta nhìn nhận những cơ hội cũng như thách thức trước cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu; nhằm đưa vị thế Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp sáng tạo là trọng điểm để thay đổi vị thế và tạo tăng trưởng bền vững cho đất nước.
Hoàng Dương