Không ai có thể phủ nhận rằng mọi người đều có thể được hưởng các quyền con người mà không bị kỳ thị, trong đó quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử là những trụ cột của quyền con người. Điều 1 trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người tuyên bố rằng tất cả mọi người đều được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Và theo quy định tại Điều 2, mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do nêu trong Tuyên bố này, không phân biệt.

Tuy nhiên, phân biệt chủng tộc, bài ngoại và cố chấp, không bao dung lại tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề trong mọi xã hội, và các hành động kỳ thị diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là đối với những người di cư, người tị nạn và những người gốc châu Phi.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia, dân tộc đều được khuyến khích có biện pháp chống phân biệt chủng tộc, bài ngoại và mọi hình thức không khoan dung liên quan đến phân biệt chủng tộc, đồng thời thúc đẩy sự khoan dung, hòa nhập, đoàn kết và tôn trọng sự đa dạng.

Ngày quốc tế chống phân biệt chủng tộc được chính thức kỷ niệm mỗi năm để ghi nhớ ngày 21/3/1960, khi tại Sharpeville (Nam Phi), cảnh sát đã nổ súng và bắn chết 69 người trong một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại các luật lệ liên quan đến giấy thông hành, vượt qua áp đặt bởi chế độ phân biệt chủng tộc. Năm 2018, chủ đề của Ngày quốc tế chống phân biệt chủng tộc được Liên hợp quốc lựa chọn kỷ niệm là: “Thúc đẩy sự khoan dung, hòa nhập, đoàn kết và tôn trọng sự đa dạng trong bối cảnh cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc”.

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: "Ký ức Sharpeville tiếp tục trong lễ kỷ niệm hàng năm của Liên hợp quốc, khi chúng ta tái khẳng định sự chối bỏ rõ ràng đối với tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung. Song thật không may, những thái độ này vẫn tồn tại ở các quốc gia và giữa các cộng đồng trên thế giới".

Nhấn mạnh "mọi người trên khắp thế giới đều đã có được tự do và bình đẳng", ông Guterres cũng ghi nhận những tiến bộ cụ thể về quyền của phụ nữ, trẻ em, người dân bản địa và người khuyết tật. Tuy nhiên theo ông, những tiến bộ này vẫn chưa đủ và nhiều người trên khắp thế giới tiếp tục phải chứng kiến quyền con người bị từ chối hoặc bị hạn chế. “Bất bình đẳng giới vẫn là một vấn đề bức xúc" – ông  Guterres lưu ý. "Chúng ta cũng đang chứng kiến sự gia tăng đáng sợ tư tưởng bài ngoại, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và không khoan dung...”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định vẫn còn một chặng đường dài để loại bỏ các thái độ và hành vi phân biệt đối xử trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ông Guterres kêu gọi mọi người cũng xem xét, suy nghĩ về những cách thức để thúc đẩy lòng khoan dung, hòa nhập, tôn trọng sự đa dạng ở tất cả các quốc gia và cộng đồng./.

Khánh Linh