Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, tính đến tháng 12/2016, tỉnh có 66/111 xã được phân định là miền núi, vùng cao, tăng 21 xã so với năm 1997 do chia tách địa giới hành chính; 4 huyện, thị miền núi; 2 huyện có 100% số xã là miền núi gồm huyện Bù Gia Mập và huyện Phú Riềng nhưng chưa có quyết định công nhận là huyện miền núi.
Hiện, Bình Phước có trên 191.000/950.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào dân tộc S’tiêng chiếm nhiều nhất với hơn 87.000 người, đồng bào dân tộc Tày có khoảng 25.000 người, dân tộc Nùng khoảng 25.000 người.
Do tỉnh nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ, còn gặp nhiều khó khăn như giá cả nhân công, nguyên vật liệu đầu tư cao hơn mức giá chung của cả nước nên việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện, Bình Phước đang áp dụng nhiều chính sách liên quan đến công tác dân tộc theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển như: Chương trình 135, chính sách định canh, định cư (theo Quyết định số 33/2013 QĐ-TTg), chính sách vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2007-2016...
Là một tỉnh nghèo, hạ tầng thông tin liên lạc, điều kiện cập nhật thông tin còn hạn chế, có sự biến động lớn về số lượng đơn vị hành chính qua các năm nên hiện một số địa phương ở Bình Phước vẫn chưa được công nhận là xã, huyện miền núi, vùng cao trong khi Bình Phước là tỉnh miền núi. Thực trạng này khiến tỉnh gặp nhiều khó khăn khi áp dụng một số chính sách hiện hành để phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp này, tỉnh Bình Phước đã nêu một số đề xuất về nhu cầu và chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số như: Cần có Chương trình mục tiêu đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo từng vùng địa lý cụ thể trong giai đoạn 2016-2020, trong đó xem xét nâng cao mức hỗ trợ thực hiện Chương trình chính sách dân tộc theo từng địa bàn cụ thể; cần xem xét danh sách phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển giai đoạn 2016-2020; ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương tổ chức, triển khai; phê duyệt bổ sung danh sách phân định xã, huyện là miền núi và vùng cao đối với các huyện, xã mới được tách; hỗ trợ một số chương trình dự án hợp tác đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đối với các dự án đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số… Ngoài ra, tỉnh Bình phước cũng kiến nghị Trung ương công nhận huyện Bù Gia Mập, huyện Phú Riềng là huyện miền núi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được trong thời gian qua của tỉnh Bình Phước; lưu ý tỉnh Bình Phước tiếp tục thực hiện tốt các các chính sách hiện hành, ưu tiên cho vùng có khó khăn hơn. Địa phương cần rà soát, điều chỉnh lại báo cáo cho thật sát với tình hình cụ thể của địa phương dựa trên bộ tiêu chí của Trung ương về phân định vùng, miền. Về nhu cầu hạ tầng cơ sở, địa phương cần thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án; ưu tiên vấn đề cấp bách, tranh thủ các nguồn lực xã hội. Về đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh cần bố trí sử dụng cán bộ là người tại địa phương. Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Bình Phước đánh giá lại một cách chi tiết, có chiến lược, cơ cấu cứng về tỷ lệ cán bộ là người địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số.../. TTXVN