|
Đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội - HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc với Phòng GD&ĐT huyện Đakrông
|
Năm học 2017-2018, ngành giáo dục huyện Hướng Hóa tiếp tục duy trì quy mô trường lớp hiện có, phát triển loại hình nhóm, lớp mầm non tư thục. Tiếp tục tham mưu để thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú: Hướng Linh, Húc, Thanh và phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Ba Tầng theo Đề án của UBND huyện. Toàn huyện hiện có 25 trường mầm non; 17 trường tiểu học và cấp tiểu học; 14 trường THCS…
Trong năm học, cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn được tăng cường. Tuy nhiên, thực trạng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, trong đó có 26 phòng học phòng học tạm và xuống cấp, 29 phòng học mượn; 36 nhà công vụ giáo viên chưa có nguồn đầu tư. Trong năm học đã tiến hành tu sửa, mua sắm, xây dựng các cơ sở vật chất với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng.
Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, huyện còn thiếu so với định mức trường lớp hiện có là 158 người, trong đó Mầm non 69 người, Tiểu học 67 người, THCS 22 người. Tính đến tháng 10/2017, huyện Hướng Hóa có 16 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 25% (Mầm non 5 trường, Tiểu học 9 trường và THCS 2 trường).
Toàn huyện có 20/63 trường được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục. Điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dạy và học đã được tăng cường song còn thiếu, chưa đồng bộ; vẫn còn thiếu phòng học… Về kết quả thực hiện Nghị quyết 12/2008/NQ-HĐND, từ năm 2009 đến nay toàn huyện đã thực hiện luân chuyển được tổng số 147 giáo viên.
Tại huyện Đakrông, năm học 2017-2018, quy mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định, không có sự thay đổi so với cuối năm học 2016-2017. Hiện toàn huyện có 38 trường học trực thuộc, trong đó có 15 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 5 trường TH&THCS, 5 trường THCS, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS.
Toàn huyện hiện có 611 nhóm, lớp với 11.609 học sinh từ cấp học mầm non đến cấp THCS. Tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi đến trường của huyện đạt khá cao: cấp Mẫu giáo đạt 95,16%, riêng trẻ dưới 5 tuổi huy động đạt 99,71%; cấp Tiểu học, trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 đạt 99,8%; cấp THCS đạt tỷ lệ 98,9%. Mạng lưới trường lớp đều khắp các xã, thị trấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong độ tuổi đến trường, hầu hết các đơn vị phải thực hiện nhiều điểm trường lẻ, đặc biệt là giáo dục mầm non, tiểu học. Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy và học trên địa bàn đã được tăng cường; đầu năm học 2017-2018, ngành giáo dục huyện đã đưa vào sử dụng 13 phòng học và hiện đang tiếp tục xây dựng nhiều công trình phục vụ dạy và học để đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 1 trường mầm non và 3 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Ngành giáo dục huyện hiện vẫn đang sử dụng 24 phòng học tạm, mượn; hầu hết các đơn vị chưa có phòng học bộ môn, phòng chức năng; tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm do các hạng mục chưa được đầu tư theo đúng lộ trình.
Tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra, nhất là bậc học mầm non hiện thiếu rất nhiều. Việc mua sắm thiết bị phục vụ công tác dạy học gặp nhiều vướng mắc do thực hiện mua sắm tập trung. Tỷ lệ tường mầm non tổ chức nấu ăn bán trú tại trường có tăng nhưng không đáng kể, chất lượng bữa ăn cho trẻ chưa đảm bảo…
Việc thực hiện Nghị quyết 12/2008/NQ-HĐND đã được triển khai nghiêm túc, đúng quy định, đối tượng. Từ năm 2009, đến nay toàn huyện đã thực hiện luân chuyển được 87 cán bộ quản lý, giáo viên trong tổng số 210 bộ hồ sơ xin luân chuyển theo nguyện vọng.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo ngành giáo dục huyện Hướng Hóa và Đakrông đã nêu một số kiến nghị chủ yếu như: HĐND tỉnh xem xét tăng chỉ tiêu biên chế hàng năm để đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các nhà trường; đề nghị xem xét phân bổ kinh phí hàng năm để hợp đồng nhân viên cấp dưỡng cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập; bằng các nguồn vốn của tỉnh, của chương trình mục tiêu quốc gia, dự án cần ưu tiền đầu tư cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở vật chất…
Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, Bí thư Thành ủy Đông Hà, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội-HĐND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục các huyện Hướng Hóa và Đakrông trong việc khắc phục mọi khó khăn để đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác dạy và học, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của các huyện liên quan đến giáo dục trên địa bàn, liên quan đến Nghị quyết số 12/2008/NQ-HĐND, Đoàn giám sát tiếp thu, ghi nhận và sẽ trình lên kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới để được xem xét, tháo gỡ.
Đức Việt