Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT 

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 27/6/2017, Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn; đồng chí Phan Văn Phụng, UVTVTU, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh làm Phó Trưởng đoàn tiến hành công tác giám sát với Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp& PTNT về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 36 của Tỉnh ủy. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Hà Sỹ Đồng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số ban, ngành liên quan.

Đồng chí  Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: NB

Tại buổi làm việc, BQL Khu kinh tế tỉnh nêu rõ: Hiện nay BQL Khu kinh tế tỉnh đang quản lý 3 Khu công nghiệp (KCN), và 2 Khu kinh tế (KKT). Các KCN, KKT đã được quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Trong quá trình triển khai thực hiện, BQL Khu kinh tế tỉnh luôn bám sát quy hoạch đã được phê duyệt, khi có sự điều chỉnh cục bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đảm bảo theo đúng quy định.

Từ năm 2012-2017, nguồn vốn ngân sách đã bố trí đầu tư hạ tầng các KCN, KKT là 451,356 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BQL Khu Kinh tế luôn xác định công tác quảng bá thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định đến sự phát triển bền vững của các KKT, KCN. Vì thế, các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vào các KCN, KKT đã có nhiều tiến triển về quy mô cũng như chất lượng.

 Một số dự án hạ tầngcấp thiết tại KKT Đông Nam đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn, đầu tư xây dựng giai đoạn 2017-2020. KKT Đông Nam được thành lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050.

 Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến đến lập quy hoạch chi tiết, đầu tư cơ sở hạ tầng vào KKT, đồng thời tạo ra thế mạnh thu hút đầu tư. Nhìn chung, hạ tầng KCN Nam Đông Hà, Quán Ngang, Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được đầu tư tương đối, cơ bản đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Ngày càng khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng của dự án, doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các KCN, KKT; góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Qua đó, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp vào ngân sách địa phương.

 Trong báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Xây dựng cho biết, thực hiện chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, Sở Xây dựng đã làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4/11/2016 về phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2021, định hướng đến năm 2025, đồng thời cụ thể hóa các chương trình thực hiện.

Chủ động phối hợp trong việc xây dựng các đề án, quy hoạch về phát triển đô thị Quảng Trị giai đoạn 2016-2021, trong đó một số đề án đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng phê duyệt như: Đề án Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050... Một số quy hoạch đang tiếp tục triển khai như xây dựng thị trấn Hướng Phùng; các đô thị La Vang, Bồ Bản...

Về phát triển đô thị, hiện nay Quảng Trị đã cơ bản hình thành 2 chuỗi đô thị theo các trục Bắc - Nam và Đông - Tây với tổng số 13 đô thị gồm 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật từng bước được cải thiện, trong đó 12/13 đô thị đã được tăng cường đầu tư, nâng cấp, nhằm nâng cao chất lượng kiến trúc cảnh quan đô thị.

Trên lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng và chất lượng công trình được thực hiện tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước, đảm bảo việc kiểm soát chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

Trong năm 2016, Sở Xây dựng đã thẩm định 20 dự án với số vốn 1.432 tỷ đồng; 12 hồ sơ thiết kế cơ sở, 94 hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, 78 hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật với tổng mức đầu tư 1.007,05 tỷ đồng; kiểm tra nghiệm thu 42 công trình.

Công tác thanh tra xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời xử lý những sai phạm, đồng thời giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, Sở Xây dựng luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính; quán triệt cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, chống quan liêu, tham nhũng.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp&PTNT, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 36 của Tỉnh ủy, Sở đã tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động, giải pháp đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Tổng nguồn vốn thu hút và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hơn 11.172,2 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đầu tư. Toàn tỉnh có 500 công trình thủy lợi các loại. Bên cạnh đó, Sở đã chú trọng nâng cấp các công trình đầu mối thủy lợi, tăng tần suất tưới lên 85%.

Đồng chí Phan Văn Phụng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Sở Xây dựng. Ảnh: LM 

 Hệ thống đê sông, đê biển, đê bao chống lũ, chống úng được đầu tư xây dựng, hiện đã nâng cấp 117,7 km đê/164,7 km đê, hơn 155 cống dưới đê đảm bảo tiêu úng. Trong những năm qua, toàn tỉnh xây dựng được 30 công trình kè chống sạt lở với tổng chiều dài 40,252 km.

Các công trình này sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thủy sản từng bước được đầu tư xây dựng với hệ thống cảng cá, chợ cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão. Từ năm 2012 đến nay, đã xây dựng được 36 công trình cấp nước tập trung cho các xã và huyện đảo Cồn Cỏ, góp phần giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt, cải thiện đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

 Hoàn thành 2 dự án, tạo cơ sở hạ tầng để di dời, tái định cư, giúp 250 hộ dân sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ổn định cuộc sống. Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới là 6.915,253 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 202,647 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.


Đến năm 2016, toàn tỉnh có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2017, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 40 xã. Sở cũng đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn  vốn ODA, quản lý tốt các dự án. Nhờ đó, các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp đã từng bước được hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.

Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trong việc thực hiện Chương trình hành động số 36 của Tỉnh ủy.

 Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phan Văn Phụng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã yêu cầu BQL Khu kinh tế, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp&PTNT cần sớm khắc phục những hạn chế trong công tác chuyên môn và cố gắng hơn nữa để triển khai, thực hiện Chương trình hành động số 36 có kết quả khởi sắc hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng yêu cầu BQL Khu kinh tế tỉnh cần đẩy mạnh công tác chuyên môn để đem lại hiệu quả cao hơn trong các dự án đầu tư, tránh gây lãng phí trong các công trình dự án. Nên tránh phụ thuộc vào đầu tư công mà phải đa dạng hóa các nguồn đầu tư để đảm mục tiêu đề ra.

Thời gian tới, BQL Khu kinh tế tỉnh nên tuân thủ quy hoạch, bám sát, nắm vững quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tranh thủ thu hút đầu tư để đảm bảo các KCN, KKT phát triển đúng định hướng.

Đơn vị cần chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền để tìm cách thu hút đầu tư bằng các chính sách phù hợp; tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý để tạo điều kiện hợp tác cho các nhà đầu tư.

Chủ động sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ theo hướng năng động, sáng tạo và có trình độ chuyên sâu, đối ngoại giỏi.

Đơn vị phải thực nghiệm nghiêm túc hơn nữa các đầu tư công, đẩy nhanh các tiến độ thi công công trình thiết yếu về môi trường, KCN; chú ý tháo gỡ khó khăn về hạ tầng mặt bằng ở Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Trong thời gian tới, BQL Khu kinh tế tỉnh nên chú trọng đến các dự án cảng nước sâu, điện khí, điện mặt trời để thu hút đầu tư, góp phần xây dựng quê hương.

Đồng chí Phan Văn Phụng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị Sở Xây dựng triển khai tốt hơn nhiệm vụ của đơn vị, trong đó tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo về xây dựng các chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm phát triển đô thị theo đúng lộ trình.

 Bên cạnh đó, đơn vị cần tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong xây dựng các đề án quy hoạch có chất lượng.

Trong điều kiện phát triển của Quảng Trị hiện nay cần tập trung nghiên cứu, tham mưu các cấp lãnh đạo xây dựng, phát triển các trục đô thị của địa phương mang tính chiến lược và bền vững để chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy ngày càng phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

 Đồng chí Phan Văn Phụng cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp&PTNT cần chú trọng công tác tham mưu, rà soát, bổ sung một số quy hoạch nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Quan tâm đến chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng nghiên cứu hệ thống trùng tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp đã xuống cấp nhằm mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

Nhơn Bốn - Lê Minh

1065 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 592
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 592
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78056045