|
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
|
Thực hiện Văn bản số 2429 của UBND tỉnh về việc tham mưu, báo cáo thực hiện Chương trình hành động số 36-CTHĐ/TU ngày 7/5/2012 của Tỉnh ủy trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI (gọi tắt là Chương trình hành động số 36), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều chương trình có kết quả rõ nét.
Tại buổi làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: Sau 5 năm (2012-2016) triển khai thực hiện Chương trình hành động số 36 của Tỉnh ủy, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 45.704 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 13.173 tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hộ trên địa bàn tỉnh.
Về phát triển hạ tầng giao thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 1A đạt tiêu chuẩn 4 làn xe cơ giới; quan tâm đầu tư hệ thống giao thông như: Hệ thống cầu lớn, đường sắt, đường thủy, sân bay và đường bộ tuyến tỉnh, huyện và giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, hạ tầng điện lưới đã đảm bảo 100% số xã được cấp điện, 99,5% hộ gia đình được sử dụng hệ thống điện lưới quốc gia.
Trên lĩnh vực hạ tầng đô thị, tỉnh Quảng Trị đã cơ bản hình thành 2 chuỗi đô thị theo các trục Bắc-Nam và Đông-Tây với 13 đô thị gồm: 1 đô thị loại III (TP. Đông Hà), 1 đô thị loại loại IV (thị xã Quảng Trị) và 11 đô thị loại V.
Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng thương mại... cơ bản được quy hoạch hợp lý, chú trọng đầu tư đúng mức để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo báo cáo từ Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 7.136 km.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326/QĐ-TTg năm 2016, tỉnh Quảng Trị sẽ có đường bộ cao tốc Cam Lộ-La Sơn (dài 102 km); Quảng Bình-Quảng Trị (dài 67,5 km).
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 435,7 km quốc lộ; 303,72 km tỉnh lộ; 471,78 km đường đô thị; 25,03 km đường chuyên dùng; 5.900 km đường giao thông nông thôn. Đường sắt đi qua địa bàn có tổng chiều dài 76 km. Hệ thống đường thủy nội địa dài 125,4 km.
Toàn tỉnh có 17 bến xe, trong đó 7 bến xe đã được xếp loại và 10 bến tạm. Quảng Trị có hệ thống cảng sông Đông Hà gồm 2 bến với tổng chiều dài 190 m, có khả năng đáp ứng tàu trọng tải 200-250 tấn và sà lam loại 250 tấn cập bến thuận lợi.
Ước tính khả năng vận tải hàng hóa thông qua bến là 50.000 tấn/năm. Cảng biển Cửa Việt với diện tích 42.000 m2, có 1 bãi chưa hàng rộng 7.200 m2; 2 cầu cảng dài 64m/cầu, đảm bảo cho tàu 2.000 tấn cập bến và công suất vận tải hàng hóa 400.000 tấn/năm.
Hàng năm, Sở Giao thông Vận tải xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động, công tác trọng tâm của ngành và đưa ra các giải pháp, mục tiêu nhằm hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Bên cạnh đó, Sở tích cực tham mưu, đề xuất, tranh thủ huy động mọi nguồn lực của xã hội để đầu tư theo lộ trình phù hợp, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải đã làm rõ một số vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm.
Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trong việc thực hiện Chương trình hành động số 36 của Tỉnh ủy Quảng Trị.
Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải cần cố gắng hơn nữa để triển khai, thực hiện Chương trình hành động số 36 có kết quả khởi sắc hơn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy mạnh công tác rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện các mục tiêu cụ thể; thu hút đầu tư, từ đó làm thay đổi kết cấu hạ tầng, tiến đến đồng bộ, tiệm cận hiện đại.
Cần sớm xây dựng được danh mục dự án cụ thể để định hướng, đánh giá, sàng lọc dự án hiệu quả hơn, qua đó góp phần giải quyết tốt bài toán đối ứng trong đầu tư.
Trong thời gian tới, Sở cần tập trung các nguồn lực để huy động các nhà đầu tư về lĩnh vực nhiệt điện, cảng nước sâu, dự án nông nghiệp gắn với công nghiệp, các dự án BOT giao thông, chọn nhà đầu tư về du lịch để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Đối với Sở Giao thông Vận tải, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đơn vị cần xem xét, lưu ý thêm chức năng quản lý nhà nước và vai trò thẩm định dự án để tránh lãng phí trong đầu tư, xây dựng. Ngành cũng phải kiên quyết, thẳng thắn trong việc góp ý kiến xây dựng, tham gia quản lý các dự án phát triển giao thông, vận tải ngay từ đầu.
Cần xây dựng được danh mục dự án, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, chú trọng chọn 3-5 dự án trọng điểm, hiệu quả để thực hiện hàng năm. Nên nghiên cứu, xem xét các cách làm hay của địa phương khác để phát triển các dự án đầu tư, làm lợi cho nhân dân và thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Đối với đường thủy nội địa nên hình thành các tuyến vận hành chính, phục vụ du lịch từ Cửa Việt, Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ; cảng Đông Hà về Cửa Việt, Cửa Tùng, Triệu Phong nhằm kích cầu phát triển ngành du lịch.
Sở cần chủ động hơn trong việc tham mưu cho UBND tỉnh về việc quy hoạch phát triển giao thông đường thủy, đường sắt và một số lĩnh vực giao thông, vận tải khác nhằm tiến đến đồng bộ hóa hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.
Nhơn Bốn