Truyền thông Mỹ cho hay ngày 13/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hoan nghênh việc Triều Tiên công bố dỡ bỏ cơ sở hạt nhân, coi đây là bước khởi đầu tốt đẹp và nói rằng Mỹ sẽ đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Phát biểu trên kênh truyền hình CBS và hãng tin Fox News Sunday, ông Pompeo cho hay “Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để mở đường cho các nguồn đầu tư tư nhân của nước này vào các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp và năng lượng của Triều Tiên”.
Ngoại trưởng Mỹ còn cho biết thêm “chúng tôi có thể tạo các điều kiện dẫn tới sự thịnh vượng kinh tế cho người dân Triều Tiên để có thể cạnh tranh với Hàn Quốc”.
Ông Pompeo cũng nhấn mạnh cần phải bảo đảm an toàn một cách chắc chắn cho Triều Tiên.
Lập trường nói trên của Mỹ được một quan chức chủ chốt Phủ Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ với báo giới sáng 14/5.
Quan chức này nhấn mạnh ngay từ đầu, vấn đề hạt nhân Triều Tiên về cơ bản mang tính chất trao đổi với việc bảo đảm thể chế cho Triều Tiên. Điều này ngoài việc bảo đảm sự an toàn đơn thuần cho Bình Nhưỡng, còn mang ý nghĩa rộng hơn là phải bảo đảm Bắc Triều Tiên có thể giao lưu một cách bình thường với Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định “việc phi hạt nhân hóa có nghĩa là không một vũ khí hạt nhân nào được tồn tại trên đất Triều Tiên và chỉ có một cách duy nhất là Triều Tiên phải tự dỡ bỏ hạt nhân”.
Về giải pháp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, truyền thông Hàn Quốc dẫn phân tích của các chuyên gia cho rằng Mỹ đã cụ thể hóa phương án vừa “gây áp lực tối đa”, vừa “bù đắp tối đa” trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Điều này nghĩa là Triều Tiên phải nhanh chóng thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn để sớm nhận được sự “bù đắp” rõ ràng, chứ không phải thực hiện phi hạt nhân hóa từng bước và nhận “bù đắp” theo từng giai đoạn.
Cụ thể là Mỹ sẽ giúp đỡ Triều Tiên về mặt kinh tế để nước này có thể phát triển thịnh vượng tương đương Hàn Quốc nếu Bình Nhưỡng nhanh chóng dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa, ngày 20/4, bảy ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều (27/4), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có tuyên bố lịch sử: ““Không thử nghiệm hạt nhân và thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa là việc cần thiết cho CHDCND Triều Tiên, và giai đoạn hiện tại, CHDCND Triều Tiên tập trung mọi nỗ lực cho công cuộc xây dựng kinh tế”.
Tiếp đó, đúng như cam kết trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm (27/4), ngày 29/4, Triều Tiên cho biết việc đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri diễn ra vào tháng 5 và ngày 12/5 vừa qua, nước này công bố thời gian và cách thức dỡ bỏ khu thử nghiệm hạt nhân này.
Những diễn biến tích cực trong “vấn đề Triều Tiên” thời gian qua được kỳ vọng sẽ là yếu tố góp phần quan trọng cho thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vào ngày 12/6 tới đây.
Nếu tất cả các bên đều giữ thiện chí như đã có, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành hiện thực./.
Thanh Phương