Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, dinh thự của Thủ tướng Libya Abdulhamid al-Dbeibah ngày 31/3 đã bị tấn công bằng súng phóng lựu, nhưng không gây thương vong.
Một bộ trưởng của Libya xác nhận vụ tấn công chỉ gây ra một số thiệt hại về vật chất, song không công bố thông tin chi tiết.
Người dân sống tại Tripoli cho biết họ đã nghe thấy tiếng nổ lớn gần nơi ở của Thủ tướng Abdulhamid al-Dbeibah tại khu Hay Andalus sang trọng.
Lực lượng an ninh cùng nhiều phương tiện đã được triển khai dày đặc tại khu vực này sau khi xảy ra tiếng nổ.
Hơn một thập kỷ kể từ khi chính quyền Muammar Gaddafi sụp đổ đến nay, Libya vẫn là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng “Mùa xuân Arab.”
Bạo lực, loạn lạc, chia rẽ, nghèo đói, khủng bố… khiến đất nước Bắc Phi này vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng toàn diện mà mọi con đường dẫn tới hòa bình và ổn định đều bế tắc.
Chính trường Libya trở nên phức tạp hơn vì sự tồn tại song song của hai chính phủ đối địch là Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNU) được quốc tế công nhận ở thủ đô Tripoli và Chính phủ ổn định quốc gia (GNS) ở miền Đông nước này.
GNU của Thủ tướng Dbeibah được thành lập thông qua một quy trình do Liên hợp quốc hậu thuẫn vào năm 2021, nhưng GNS đã không công nhận tính hợp pháp của GNU vào cuối năm đó, sau nỗ lực tổ chức bầu cử quốc gia thất bại, dẫn đến bế tắc chính trị kéo dài.
Đầu tháng này, 3 nhà lãnh đạo chủ chốt cho biết họ đã nhất trí về “sự cần thiết” của việc thành lập một chính phủ thống nhất mới để giám sát các cuộc bầu cử bị trì hoãn từ lâu.
Ông Dbeibah khẳng định sẽ không nhường lại quyền lực cho chính phủ mới nếu không có bầu cử quốc gia./.
Trong một tuyên bố, đại diện Liên hợp quốc tại Libya đề cập đến thế bế tắc chính trị hiện nay ở Libya và nêu bật sự cần thiết phải tìm ra giải pháp nhằm khôi phục sự ổn định của quốc gia châu Phi này.