Định hướng tái cơ cấu kinh tế theo vùng  

(QT) - Nếu cơ cấu theo ngành kinh tế được hình thành từ chuyên môn hoá sản xuất, cơ cấu theo thành phần kinh tế được hình thành từ sở hữu tư liệu sản xuất thì cơ cấu kinh tế theo vùng lãnh thổ được hình thành từ việc bố trí sản xuất theo không gian địa lý. Do vậy, cơ cấu kinh tế vùng được xem như một trong những nhân tố cơ bản cấu thành cơ cấu kinh tế của một vùng lãnh thổ.

Mô hình thí điểm trồng tiêu trên trụ gạch xây ở Cam Lộ , Ảnh: PV

 

Phát triển kinh tế vùng hợp lý sẽ thúc đẩy và bảo đảm sự phát triển cân đối, bền vững của một nền kinh tế. Đồng thời, thông qua phát triển kinh tế vùng có thể phát huy tối đa hiệu quả các yếu tố đặc thù và cơ hội của toàn nền kinh tế cũng như của các vùng nhằm giảm bớt khoảng cách, sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các vùng lãnh thổ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Trị, ngoài việc thực hiện cơ cấu lại kinh tế theo cơ cấu ngành trong tổng thể nền kinh tế, theo cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư hay ngân sách… thì việc thực hiện cơ cấu lại kinh tế theo vùng lãnh thổ của địa phương nhằm đảm bảo chức năng kinh tế của từng vùng trong tổng thể cũng được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

 

Bởi lẽ tỉnh nhận thức sâu sắc rằng, cơ cấu kinh tế vùng hợp lý là nền tảng để tăng trưởng và phát triển bền vững các ngành kinh tế được phân bố ở vùng, góp phần thực hiện thành công mô hình tăng trưởng theo định hướng mà tỉnh đã đề ra. Bên cạnh nỗ lực phấn đấu để thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo đúng mục tiêu đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là đến năm 2020, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 40,5%, dịch vụ chiếm 41%, nông nghiệp chiếm 18,5%; các vùng kinh tế của tỉnh phải tạo được sự chuyển biến rõ nét và dần thay đổi cơ cấu hợp lý theo hướng phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để đem lại chất lượng, hiệu quả tăng trưởng cao và bền vững nhất.

 

Đối với vùng đồng bằng, tỉnh xác định chuyển dịch cơ cấu theo hướng lấy ngành công nghiệp làm động lực phát triển chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn vùng. Các ngành công nghiệp có lợi thế cần tập trung phát triển gồm: Công nghiệp chế biến (cao su, hồ tiêu, lương thực, thực phẩm, tinh bột sắn, thủy hải sản, lâm sản...); công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng, phụ gia xi măng, vật liệu xây, tấm lợp...); cơ khí (đóng và sửa chữa phương tiện vận tải, máy nông nghiệp, cán kéo thép, cơ khí chế tạo, sản xuất phụ tùng, linh kiện máy móc, phụ tùng xe máy, xe đạp; lắp ráp xe ô tô tải nhẹ...). Đồng thời phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, hàng mỹ nghệ; các sản phẩm phục vụ khách du lịch và xuất khẩu.

 

Từng bước ưu tiên thu hút và tạo điều kiện phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao như: Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất, nông nghiệp; công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới; công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ phần mềm tin học. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm có giá trị gia tăng cao cũng được xác định là hướng ưu tiên chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế của vùng. Ổn định diện tích lúa hai vụ theo quy hoạch; phát triển các vùng chuyên canh lúa tập trung; chuyển đổi cơ cấu giống lúa bằng các giống chất lượng và năng suất cao.

 

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công nghệ cao, đồng bộ, theo chuỗi giá trị. Chuyển dần chăn nuôi trang trại từ vùng mật độ dân số cao đến nơi có mật độ dân số thấp. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh cây lương thực, cây công nghiệp, cây thực phẩm và các vùng chăn nuôi tập trung tạo nguyên liệu ổn định cung cấp cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Đối với vùng ven biển - hải đảo được xác định phát triển du lịch - dịch vụ biển, đảo trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực; trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ gắn với tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

 

Phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung nguồn lực để phát triển vùng này thành khu vực phát triển năng động, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh, trong đó hạt nhân phát triển là Khu kinh tế Đông Nam. Tăng cường thu hút đầu tư hệ thống cảng biển và phát triển dịch vụ vận tải biển. Khai thác có hiệu quả thế mạnh của các đảo, bờ biển để phát triển du lịch biển. Đồng thời, chú trọng phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh gắn liền với việc tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cửa Việt, Cửa Tùng.

 

Đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đối với vùng miền núi - gò đồi lấy động lực phát triển tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ thông qua khai thác có hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu và Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đẩy mạnh sản xuất và nâng cao hiệu quả theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng các vùng nguyên liệu gỗ, cao su, sắn, hồ tiêu đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy trong vùng. Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, nhất là chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao gắn với chế biến.

 

Duy trì và phát triển hợp lý mô hình chăn nuôi nông hộ để tận dụng diện tích đất vườn đồi. Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện phù hợp với quy hoạch và bảo đảm môi trường; công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Xây dựng một số cụm công nghiệp làng nghề gắn với bố trí lại dân cư và các điểm đô thị. Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là vấn đề phức tạp, khó khăn và lâu dài .

 

Việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại kinh tế là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Do vậy, trong quá trình thực hiện rất cần sự giám sát, đánh giá thường xuyên để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị.

 

Nguyễn Lan Hương

 

 

1300 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1411
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1411
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168558