Hội nghị diễn ra từ 21-22/11 với sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu, trong đó có lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã phát biểu khai mạc diễn đàn.
Ông Najib Razak đã kêu gọi các quốc gia Hồi giáo cam kết không ngừng đấu tranh chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, trong đó có Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thủ tướng Malaysia đã nêu lại những hậu quả khủng khiếp do khủng bố gây ra ở Iraq, Syria, Marawi ( Philippines) và Rakhine (Myanmar) để qua đó nhấn mạnh rằng không thể bỏ qua những đau khổ và những cuộc xung đột này.
Theo ông Najib, "với tư cách là người Hồi giáo, chúng ta bị buộc phải đấu tranh chống lại bất công và tội ác. Đây là một nhiệm vụ thiêng liêng mà chúng ta được giao phó."
Bên cạnh đó, ông còn kêu gọi các quốc gia Hồi giáo trên khắp thế giới đóng góp vai trò vào việc giải quyết những thách thức.
Với chủ đề: "Sự thay đổi đột ngột: Tác động và thách thức," WIEF 13 đã đưa các nhà lãnh đạo, các nhà sản xuất và các chuyên gia ngồi lại với nhau để giải quyết những ảnh hưởng và thách thức từ những sự thay đổi đột ngột trong các lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật và chính trị để có được một môi trường kinh doanh bền vững.
Đáng chú ý, tại WIEF 13 sẽ có 16 bản ghi nhớ (MOU) được ký kết với tổng trị giá lên đến 2,5 tỷ USD, trong đó 9 MOU là giữa các tổ chức quốc tế. Những MOU này đã khiến cho WIEF13 trở thành một trong những WIEF lớn nhất trong lịch sử của diễn đàn này.
Những MOU được ký kết chủ yếu tập trung vào các ngành như công nghệ, thực phẩm và năng lượng.
Trong 5 năm qua, WIEF đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại khác nhau giữa các quốc gia Hồi giáo và phi Hồi giáo với tổng trị giá khoảng 13 tỷ USD./.