Ông Trudeau nhấn mạnh các nước này "sẽ đẩy lùi xu hướng chống thương mại trong tiến trình toàn cầu hóa", đồng thời khẳng định rằng bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ "đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ". Thủ tướng Canada cũng kêu gọi các cuộc đàm phán cần quan tâm đến sự thịnh vượng của những người dân bình thường, và khẳng định "đây chính là điều mà 11 quốc gia đã làm được" khi nhất trí về CPTPP. Ngoài ra, ông Trudeau cũng kêu gọi hành động mạnh mẽ nhằm củng cố quyền của phụ nữ.

Trước đó, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Na-ren-đra Mô-đi) thừa nhận rằng toàn cầu hòa đang "mất đi ánh hào quang", song nhấn mạnh việc dựng lên các "rào cản thương mại" mới không phải là giải pháp. Theo ông Modi, giải pháp cho việc này là hiểu và chấp nhận sự thay đổi, đồng thời đưa ra các chính sách mềm dẻo, thông minh phù hợp. Ông khẳng định tác động tiêu cực của những suy nghĩ đi ngược lại với toàn cầu hóa cũng nguy hiểm không kém như vấn đề biến đổi khí hậu hay chủ nghĩa khủng bố. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Ấn Độ xuất hiện tại Diễn đàn Davos kể từ năm 1997.

Về phần mình, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP của Pháp ngày 23/1 bên lề WEF, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox (Li-am Phoóc) cho biết Anh sẽ ủng hộ các lợi ích của tự do thương mại trong việc giảm nghèo đói, trong bối cảnh Vương quốc Anh đang trật vật đàm phán về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự kiện đươc gọi tắt là Brexit. Ông nhấn mạnh: "Anh sẽ hành động như một nước đi đầu về tự do thương mại khi chúng tôi rời EU và sử dụng chiếc ghế riêng của mình tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)".

Thời gian gần đây, Bộ trưởng Fox đã thực hiện nhiều chuyến ngoại giao con thoi tới Washington và trụ sở của WTO ở Geneva để thảo luận về một thỏa thuận hậu Brexit cho nước Anh. Ông cũng vừa trở về sau chuyến công du Trung Quốc để thảo luận các vấn đề xung quanh khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của hàng xuất khẩu Anh, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Ông Fox cho biết: "Nhân tố quan trọng để có được một hệ thống thương mại mở là hướng tới lợi ích của người tiêu dùng trên toàn thế giới, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp". Ông cũng lưu ý rằng thương mại tự do toàn cầu đã là cách hữu hiệu để đưa một tỷ người thoát khỏi nghèo đói trong một thế hệ tới.

Theo báo cáo được công bố trước thềm Diễn đàn Davos, tổ chức viện trợ Oxfam của Anh cho biết trong năm vừa qua, 1% gồm những người giàu nhất thế giới nắm giữ 82% tài sản toàn cầu, trong khi nửa dân số thế giới là những người nghèo nhất không có gì trong tay. Giám đốc Oxfam, Winnie Byanyima (Uyn-ni Bay-ân-y-ma) nhấn mạnh: "Bất công đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát toàn cầu".

Dự kiến, bên lề Diễn đàn Davos ngày 25/1, Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa Mây) sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã công khai phản đối các thỏa thuận thương mại hiện hành và sửa đổi các thỏa thuận thương mại quốc tế để bảo vệ "lợi ích và việc làm" tại Mỹ theo đúng chủ trương "Nước Mỹ trước tiên" mà ông đặt ra từ khi tranh cử tổng thống./. 

Theo TTXVN