Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023: Thúc đẩy hợp tác phát triển
Ngày 30/3, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2023 với chủ đề: “Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thức” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Sự kiện năm nay diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 28 - 31/3, quy tụ hơn 2000 khách mời đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nghị năm nay đánh dấu lần đầu tiên Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham dự sự kiện này trên cương vị người đứng đầu chính phủ Trung Quốc
Đây là hội nghị quốc tế quy mô lớn đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung Quốc, kể từ khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tại diễn đàn, các khách mời tập trung thảo luận 4 vấn đề chính, bao gồm “Phát triển bao trùm”, “Quản trị và an ninh”, “Khu vực và toàn cầu”, và “Hiện tại và tương lai” nhằm tìm ra con đường hướng phát triển cho thế giới trong thời kỳ hậu COVID-19, đồng thời thúc đẩy đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Các chuyên gia và quan chức khu vực cũng kêu gọi nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, cho rằng điều này rất quan trọng đối với châu Á cũng như hòa bình và sự thịnh vượng toàn cầu trong bối cảnh thế giới có nhiều căng thẳng và bất ổn hiện nay.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao do Trung Quốc và 25 quốc gia khác trong khu vực thành lập năm 2000, nhằm hướng tới một diễn đàn châu Á ngang tầm với Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Hiện nay, có 29 quốc gia là thành viên của diễn đàn uy tín này. Diễn đàn là kênh hiệu quả để trao đổi ý kiến về các vấn đề kinh tế đáng quan tâm nhất trong suốt 2 thập kỷ qua.
Nga kiên quyết đình chỉ New START
|
hứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 29/3, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, Moskva sẽ không thay đổi lập trường đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) bất chấp việc Mỹ quyết định ngừng trao đổi dữ liệu với Moskva theo thỏa thuận này.
Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ Nga tự nguyện đưa ra các cam kết tuân thủ giới hạn định lượng theo thỏa thuận và lập trường của Moskva không phụ thuộc vào việc Mỹ có trao đổi dữ liệu hay không. Ông nhấn mạnh Washington vẫn là một bên tham gia hiệp ước và có nghĩa vụ tuân thủ việc gửi dữ liệu.
Hôm 28/3, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã thông báo với Nga rằng nước này sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân chiến lược của mình sau khi Moskva từ chối làm như vậy, gọi đây là sự đáp trả đối với việc Nga đình chỉ tham gia New START.
Theo thỏa thuận trên, Nga và Mỹ có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí 6 tháng/lần. New START có hiệu lực vào năm 2011, giới hạn Nga và Mỹ chỉ được sở hữu không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và yêu cầu một loạt bước xác nhận, bao gồm cả việc thanh sát hiện trường. Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao, trong thông điệp liên bang thường niên ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo việc Moskva đình chỉ tham gia New START.
HĐBA LHQ lên án các vụ tấn công khủng bố ở Afghanistan
|
Xe cứu thương tới hiện trường vụ đánh bom liều chết tại Kabul, Afghanistan, ngày 27/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 28/3 đã lên án mạnh mẽ "các vụ tấn công khủng bố liên tiếp" nhắm vào dân thường ở Afghanistan, trong có vụ tấn công tại khu vực gần Bộ Ngoại giao nước này hôm 27/3 làm ít nhất 6 người thiệt mạng và một số người khác bị thương.
HĐBA LHQ đã ra thông cáo báo chí bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân, đồng thời bày tỏ mong muốn những người bị thương hồi phục nhanh chóng và hoàn toàn. HĐBA tái khẳng định khủng bố dưới mọi hình thức là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh ở Afghanistan, cũng như trên thế giới.
Các thành viên trong HĐBA nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt giữ những kẻ phạm tội, những tổ chức tài trợ và bảo trợ cho những hành động khủng bố và đưa chúng ra trước công lý. Theo HĐBA LHQ, bất kỳ hành động khủng bố nào cũng là tội phạm và không thể biện minh, bất kể động cơ của chúng là gì, ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và do bất kỳ ai thực hiện. HĐBA LHQ cũng tái khẳng định tất cả các quốc gia cần phải chống lại các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế do các hành động khủng bố gây ra, bằng mọi cách.
Làn sóng biểu tình mới lan rộng trên toàn nước Pháp
|
Người biểu tình tại Marseille, Pháp ngày 23/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Bộ Nội vụ Pháp ngày 28/3 cho biết, khoảng 740.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp nhằm phản đối luật cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron. Làn sóng mới này một lần nữa gây ra các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.
Theo Bộ Nội vụ, con số trên thấp hơn so với mức 1,09 triệu người tham gia đợt biểu tình lớn nhất trên quy mô toàn quốc gần đây hôm 23/3 vừa qua, đồng thời thấp hơn so với mức dự báo 900.000 người biểu tình được đưa ra trong những ngày qua.
Bộ Nội vụ cho biết có khoảng 93.000 người biểu tình tại Paris trong cuộc biểu tình mới nhất này. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn lao động (CGT) nêu rõ dù giảm so với tuần trước, nhưng trên thực tế vẫn có tới 450.000 người biểu tình khắp các tuyến phố tại thủ đô nước Pháp. Đụng độ cũng đã tái diễn khi lực lượng an ninh nỗ lực ngăn chặn những người biểu tình quá khích.
Gần 2 tuần sau khi Chính phủ Pháp kích hoạt quyền hành pháp đặc biệt cho phép ban hành sắc lệnh áp dụng dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện, các nghiệp đoàn vẫn đẩy mạnh quyết tâm phản đối và khẳng định sẽ thực hiện các cuộc biểu tình cho đến khi Chính phủ nước này phải nhượng bộ. Đây là cuộc biểu tình lần thứ 10 kể từ khi làn sóng tương tự bắt đầu nổ ra vào giữa tháng 1 năm nay nhằm phản đối luật nói trên, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi hiện nay lên 64 tuổi.
Phần Lan sẽ chính thức gia nhập NATO trong những ngày tới
|
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg.
(Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 31/3 thông báo, Phần Lan sẽ chính thức là thành viên thứ 31 của tổ chức này trong vài ngày tới, sau khi được sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Stoltenberg nêu rõ: "Tất cả 30 nước đồng minh NATO đã phê chuẩn đơn xin gia nhập tổ chức của Phần Lan. Nước này sẽ chính thức gia nhập liên minh của chúng tôi trong những ngày tới".
Trong thông báo riêng, Tổng thư ký NATO khẳng định Phần Lan sẽ mang lại những đóng góp giá trị cho liên minh quân sự này. Ngoại trưởng các nước thành viên của NATO sẽ nhóm họp tại trụ sở ở Brussels (Bỉ) vào tuần tới để hoàn tất tiến trình kết nạp Phần Lan.
Phần Lan và Thuỵ Điển đã chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO hồi năm ngoái. Đơn xin gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6/2022. Để chính thức trở thành thành viên của tổ chức này, đơn gia nhập của Helsinki và Stockholm phải được quốc hội của toàn bộ 30 nước thành viên liên minh phê chuẩn. Hiện nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển đang gặp nhiều trở ngại do chưa nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Tai nạn nghiêm trọng tại nhiều nước trên thế giới
|
Hiện trường vụ sập nắp giếng tại Ấn Độ khiến 35 người thiệt mạng. (Ảnh: AP) |
* Tại Ấn Độ: Ngày 31/3, giới chức bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ cho biết, số người thiệt mạng trong vụ sập nắp giếng bên trong một ngôi đền cổ ở thành phố Indore, thuộc bang này đã tăng lên 35 người, trong đó 1 người khác vẫn bị mất tích. Công tác cứu hộ tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn đang được gấp rút tiến hành nhằm tìm kiếm người mất tích, sau khi phần mái phía trên của một giếng bậc thang của ngôi đền cổ bị sập.
Trước đó ngày 30/3, truyền thông địa phương đưa tin, 1 nắp giếng bên trong một ngôi đền cổ ở bang Madhya Pradesh bị sập, khiến nhiều người bị rơi xuống giếng nước. Theo cảnh sát địa phương, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, lực lượng cứu hộ đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường và nỗ lực giúp đỡ những người bị mắc kẹt và bị thương bên trong giếng. Nước bên trong giếng sau đó cũng đã được bơm ra ngoài để giúp quá trình cứu hộ được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Theo lực lượng cứu hộ, giếng bậc thang cổ tại Indore đã được đào từ hàng trăm năm trước, với hệ thống bậc thang dẫn xuống các khu vực phía dưới của ngôi đền. Ngôi đền có tên gọi Beleshwar Mahadev Jhulelal sau đó đã được xây dựng ở phía trên của chiếc giếng bậc thang này.
* Tại Philippines: Ngày 30/3, nhà chức trách địa phương thông báo ít nhất 31 người thiệt mạng trong vụ cháy phà chở khoảng 250 hành khách và thủy thủ đoàn ở miền Nam Philippines. Vụ việc xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 29/3 (giờ địa phương) tại khu vực đảo Baluk-Baluk, thuộc địa phận thị trấn Hadji Muhammad của tỉnh Basilan.
Theo Tỉnh trưởng tỉnh Basilan, Jim Hataman, phà MV Lady Mary Joy 3 bốc cháy vào khoảng nửa đêm 29/3 ngoài khơi tỉnh Basilan khi đang trên hành trình từ thành phố cảng Zamboanga ở miền Nam tới thị trấn Jolo ở tỉnh Sulu. Nhiều người trên phà đã nhảy xuống biển để tìm cách thoát thân và không may chết đuối. Lực lượng bảo vệ bờ biển, tàu hải quân và các tàu, phà gần hiện trường đã tới ứng cứu, vớt được nhiều người. Chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn vẫn được triển khai để tìm khoảng 7 người khác còn mất tích. Ít nhất 23 hành khách bị thương và đã được đưa tới các bệnh viện trong khu vực.
* Tại Sudan: Đã có ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương trong một vụ sập hầm mỏ xảy ra ngày 31/3 ở bang Bắc của Sudan.
Một quan chức cấp cao Công ty Tài nguyên Khoáng sản Sudan thuộc sở hữu nhà nước đã xác nhận thông tin trên. Ông đồng thời cho biết một phần của sườn núi gần hầm mỏ al Jabal al Ahmar, nằm cách thành phố Wadi Halfa 70 km, đã bị sạt lở dẫn đến tai nạn hầm lò nói trên.
Trong khi đó, hãng thông tấn SUNA của Sudan cho biết, những rung chấn trong quá trình thợ mỏ sử dụng máy móc hạng nặng để đào vàng đã khiến sườn núi sạt lở./.