Ngày 22/2, Pháp trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) và Đại diện Cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell Fontelles đã đồng tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Paris.
Diễn đàn quy tụ các tổ chức Châu Âu, các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hoặc đại diện Bộ trưởng Ngoại giao của 27 quốc gia thành viên của EU và khoảng 30 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như đại diện của các tổ chức khu vực ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Sự kiện này được tổ chức nhân dịp Pháp đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu và sau khi thông qua, vào tháng 9 năm 2021, chiến lược của EU về hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Diễn đàn Bộ trưởng diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và Đại diện Cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell Fontelles.
Các cuộc thảo luận tại hội nghị đã cho phép xác định các ý tưởng và định hướng hợp tác giữa EU và các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU và Chiến lược Global Gateway được thông qua mới đây.
Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã nêu bật tham vọng chung của các bên tham gia, đó là: Nỗ lực hợp tác cùng nhau vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững và bao trùm ở Châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Tái khẳng định sự gắn kết của các bên tham gia đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các giá trị và nguyên tắc dân chủ, cũng như tăng cường chủ nghĩa đa phương và Nhà nước pháp quyền, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS); Thúc đẩy sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ giữa EU và các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua các hoạt động hợp tác và đoàn kết dựa trên các cam kết chung của chúng ta, kể cả Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu và Công ước về Đa dạng sinh học; Tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực và tiếp tục trao đổi về các định hướng đã xác định, đặc biệt trong khuôn khổ ba cuộc tọa đàm được tổ chức tại Diễn đàn Bộ trưởng, về: an ninh và quốc phòng; kết nối và các vấn đề kỹ thuật số và; các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và đại dương, và sức khỏe.
Các bên tham gia của EU nhắc lại tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với Châu Âu và nhấn mạnh sự ủng hộ đối với cam kết ngày càng gia tăng và lâu dài của EU và các quốc gia thành viên thông qua các hành động cụ thể. Vai trò của các khu vực ngoại vi xa lục địa và của các quốc gia và lãnh thổ hải ngoại Châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được nhấn mạnh trên phương diện này.
Trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, EU tuyên bố mở rộng khái niệm về sự hiện diện phối hợp trên biển ở Tây Bắc Ấn Độ Dương. Điều này sẽ cho phép EU hỗ trợ hơn nữa sự ổn định và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tối ưu hóa việc triển khai hải quân, thúc đẩy hành động gắn kết của châu Âu và tạo điều kiện trao đổi thông tin và hợp tác với các đối tác của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt bằng cách tổ chức các cuộc tập trận trên biển và các chuyến cập cảng chung. Mặt khác, EU tái khẳng định quyết tâm tăng cường cam kết về an ninh và quốc phòng với các đối tác trong khu vực, chẳng hạn bằng cách tăng cường đối thoại và quan hệ song phương.
Ngoài ra, EU tái khẳng định cam kết của mình nhằm: làm sâu sắc hơn các chương trình hợp tác hiện có nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt thông qua chương trình ESIWA (Tăng cường Hợp tác An ninh Trong và Với Châu Á), trong lĩnh vực chống khủng bố, điều khiển học, an ninh hàng hải và quản lý khủng hoảng; thúc đẩy nhận thức về lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là thông qua nền tảng trao đổi thông tin IORIS, dự án CRIMARIO (Các tuyến đường hàng hải trọng yếu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương), mà việc mở rộng ra Thái Bình Dương sẽ được nghiên cứu trong những tháng tới.
Trong lĩnh vực an ninh mạng, các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ quy phạm của Liên hợp quốc đối với hành vi có trách nhiệm của các quốc gia, khuôn khổ của các công cụ quốc tế và khu vực về tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng, bao gồm cả Công ước Budapest về Tội phạm mạng, cũng như tăng cường khả năng phục hồi trên không gian mạng. EU đã nhân cơ hội này quảng bá bộ công cụ hệ thống 5G của mình và triển vọng hợp tác với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà EU cung cấp.
Trong lĩnh vực kết nối, tầm quan trọng của cách tiếp cận bền vững, bao trùm và dựa trên quy tắc đã được tái khẳng định, cũng như việc cần thiết tăng cường hợp tác về các khuôn khổ quy định chủ chốt và triển khai cơ sở hạ tầng vật chất an toàn và có khả năng chống chịu, phù hợp với các nguyên tắc của G20 về đầu tư vào các cơ sở hạ tầng chất lượng (QII).
EU sẽ nỗ lực thúc đẩy tất cả các khía cạnh của kết nối chất lượng với các đối tác Ấn Độ Đương - Thái Bình Dương theo phương thức chiến lược, dựa trên Global Gateway, chiến lược của EU về hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Chiến lược của EU về Kết nối Châu Âu và Châu Á. Global Gateway dựa trên các nguyên tắc quản trị tốt (bao gồm tính minh bạch, bền vững về ngân sách và tài chính, cạnh tranh bình đẳng và sử dụng các công cụ đa phương) và tham vọng sinh thái (hỗ trợ cơ sở hạ tầng sạch hơn, đảm bảo đánh giá thực sự về môi trường và xã hội và hỗ trợ cho một quá trình chuyển đổi công bằng hướng đến trung lập khí hậu).
Global Gateway sẽ hỗ trợ triển khai các cơ sở hạ tầng an toàn, bền vững và chất lượng, thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường quyền tự chủ ra quyết định của các đối tác EU. Để tối ưu hóa các quy trình, các Phái đoàn EU, cũng như chi nhánh phát triển mới của Ngân hàng đầu tư châu Âu và các văn phòng mới mở gần đây tại Jakarta, Suva và Nairobi sẽ hỗ trợ việc thực hiện Global Gateway và các dự án kết nối có chất lượng trong lĩnh vực này.
EU nhấn mạnh tiềm năng của Sáng kiến Nhóm Châu Âu về Kết nối Bền vững trong ASEAN, nhằm phát triển các dự án cụ thể hợp tác với các đối tác ở Đông Nam Á và hoan nghênh việc khởi động thành công sáng kiến này trong tương lai gần.
Ngoài ra, Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện (CATA) giữa EU và các Quốc gia Thành viên ASEAN đã được đưa ra như một ví dụ về một sáng kiến lớn, sẽ tăng cường kết nối giữa người dân hai khu vực và tạo ra các cơ hội thương mại mới cho các bên tham gia kinh tế. EU hoan nghênh việc kết thúc đàm phán và bày tỏ hy vọng rằng hiệp định sẽ sớm được ký kết. Tiềm năng làm sâu sắc hơn và đa dạng hóa quan hệ thương mại của EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được ghi nhận, đặc biệt là dựa trên mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng và cùng có lợi hiện có.
Vai trò quan trọng của giáo dục và thanh niên ở cả hai khu vực đều được nhấn mạnh. Chương trình trao đổi đại học Erasmus + của EU, các hoạt động của chương trình Marie Skłodowska-Curie và các khoản tài trợ và học bổng của các chương trình này sẽ tăng cường mối liên hệ và quan hệ lâu dài giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ năm 2014 đến năm 2020, hơn 50.000 người đã được hưởng lợi từ chương trình Erasmus+ giữa EU và các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các dự án hợp tác của Erasmus+ trong lĩnh vực giáo dục đại học sẽ tiếp tục phát triển khả năng, năng lực và kỹ năng để giải quyết các vấn đề toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
|
Diễn đàn quy tụ các tổ chức châu Âu, các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hoặc đại diện Bộ trưởng Ngoại giao của 27 quốc gia thành viên của EU và khoảng 30 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương |
Trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới (R&I), tầm quan trọng của việc tôn trọng các giá trị then chốt của R&I đã được nhấn mạnh để đảm bảo hợp tác công bằng và có đi có lại, như sẽ được xem xét trong hội nghị Marseille về cách tiếp cận toàn cầu của R&I dưới nhiệm kỳ chủ tịch Pháp vào tháng 3 năm 2021. Công việc này rất quan trọng để được hưởng lợi đầy đủ từ các hoạt động nghiên cứu và đổi mới trong khuôn khổ chương trình Horizon Europe, mang lại nhiều khả năng hợp tác cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phù hợp với cách tiếp cận toàn cầu về hợp tác quốc tế trong R&I và chiến lược Global Gateway, việc ra mắt một nền tảng đổi mới toàn cầu đang được xem xét, với mục đích kết nối các nhà đổi mới từ khắp nơi trên thế giới nhằm tìm ra giải pháp đáp ứng các thách thức toàn cầu. Nền tảng này sẽ giúp thúc đẩy sự đổi mới giữa các quốc gia châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về các vấn đề kỹ thuật số, Diễn đàn Bộ trưởng đã thảo luận về đóng góp của nền kinh tế kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng và giáo dục số đối với sự chuyển đổi của nền kinh tế và xã hội. Các đại biểu cũng trao đổi về sự cần thiết của một mạng internet mở, an toàn, bảo mật và lấy con người làm trung tâm. Các vấn đề an ninh mạng, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến 5G, đã được thảo luận và sự cần thiết phải áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất đã được tái khẳng định. EU đã công bố ý định thành lập một chi nhánh khu vực ở Châu Á - Thái Bình Dương trong nền tảng Hub Digital4Development, nhằm thúc đẩy hợp tác kỹ thuật số giữa EU với các Quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số bền vững và bao trùm. Diễn đàn Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo mức độ bảo vệ cao đối với dữ liệu cá nhân, thể hiện trong tuyên bố giữa EU và 9 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Australia, Comoros, đảo Maurice, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Sri Lanka) về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm xây dựng lòng tin trong nền kinh tế kỹ thuật số và tiếp tục hợp tác về các dòng dữ liệu trên cơ sở lòng tin. Diễn đàn Bộ trưởng hoan nghênh việc khởi động đàm phán quan hệ đối tác kỹ thuật số giữa EU với Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc, dựa trên các giá trị chung và cách tiếp cận chung về chuyển đổi kỹ thuật số lấy con người làm trung tâm.
Về các vấn đề toàn cầu, các thảo luận tọa đàm đã đề cập đến ba ưu tiên lớn. Liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng bền vững, các cuộc thảo luận tập trung vào các phương tiện cần thiết để triển khai các biện pháp giảm thiểu đầy tham vọng, tính dễ bị tổn thương của nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tầm quan trọng của việc thích ứng, cũng như cách đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. EU và các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đã thể hiện cam kết chung để giải quyết hiệu quả các thách thức chung về bền vững, kể cả các chuỗi thực phẩm và tiếp tục chia sẻ các thông lệ tốt nhất trong lĩnh vực quy định và đổi mới, tập trung vào công nghệ xanh và cơ chế định giá carbon. Các công cụ hướng về hợp tác như sáng kiến “Green Team Europe” hợp tác với ASEAN và Đông Nam Á, cũng có thể được tận dụng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và đầy tham vọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Lợi ích của việc tham gia, cùng với các đối tác quốc tế, trong các dự án tương tự như phương pháp tiếp cận của “Quan hệ đối tác để chuyển đổi năng lượng công bằng với Nam Phi” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được nhấn mạnh.
Mặt khác, vai trò của các thành phố với tư cách là động lực hành động vì khí hậu và chuyển đổi năng lượng sạch đã được nhấn mạnh và các đại biểu của EU hoan nghênh sự hỗ trợ liên tục của Ủy ban Châu Âu đối với Công ước Thị trưởng Toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng (GCoM) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các đại dương, các cuộc thảo luận tập trung vào việc thúc đẩy một liên minh có tham vọng cao về đa dạng sinh học vượt ra ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia “Bảo vệ đại dương: Thời gian cho hành động”, nhằm đạt được một kết quả đầy tham vọng từ các cuộc đàm phán đang diễn ra về một Hiệp ước Biển dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Sau Hội nghị thượng đỉnh Một Đại dương One Ocean Summit được tổ chức tại Brest vào ngày 11/2, ba mục tiêu chính đã được công bố: việc các quốc gia trong khu vực thông qua các mục tiêu đa dạng sinh học chủ chốt, chẳng hạn như bảo vệ 30% các khu vực trên đất liền và biển vào năm 2030 với tầm nhìn thúc đẩy việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong một khu vực có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, liên kết với EU để thông qua một khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu đầy tham vọng trong bối cảnh COP 15 của Công ước Đa dạng Sinh học, và đạt được những kết quả mang tính chuyển đổi tại Hội nghị Liên hợp quốc về Đại dương ở Lisbon.
Về vấn đề này, EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các Sáng kiến Nhóm Châu Âu như Liên minh Xanh lá cây và Xanh nước biển cho Thái Bình Dương và Timor-Leste. EU cũng tuyên bố tăng cường đóng góp cho sáng kiến KIWA mà các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Australia, New Zealand) đã đóng góp, nhằm tăng cường khả năng thích ứng của các vùng lãnh thổ trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và bảo tồn tính độc đáo của đa dạng sinh học ở Thái Bình Dương. Các bộ trưởng và đại diện EU có mặt đã nêu bật dự án Varuna và sáng kiến MarEco, cả hai đều được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Pháp, cho phép quản lý tốt hơn các hệ sinh thái và tài nguyên biển, cũng như thúc đẩy nền kinh tế xanh bền vững.
Việc EU công bố gia nhập Ủy ban Nghề cá Bắc Thái Bình Dương thể hiện mong muốn đóng một vai trò gia tăng trong quản lý đại dương của EU. Để chống lại việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cũng như góp phần quản lý và bảo tồn bền vững các nguồn tài nguyên biển, EU đã nhắc lại đối thoại với các nước ven biển và ủng hộ các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, cũng như các hệ thống kiểm soát và quản lý đánh bắt thông qua các chương trình như ECOFISH ở Ấn Độ Dương và Đối tác Hàng hải Thái Bình Dương-EU, và đặc biệt bằng cách đóng góp vào sự phát triển của “Mạng lưới IUU ASEAN”.
Trong lĩnh vực hợp tác y tế, các cuộc thảo luận tập trung vào việc xây dựng năng lực và chủ quyền y tế của các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách thúc đẩy hợp tác đa phương trong nghiên cứu và đổi mới, và hỗ trợ các dự án nhằm phát triển năng lực sản xuất dược phẩm trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vắc xin mRNA. Các triển vọng về quan hệ đối tác nhằm tăng cường các thể chế và tổ chức khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch như: Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED), đã được đề cập.
Vai trò của sáng kiến PREZODE quốc tế nhằm tăng cường hợp tác và thiết lập mạng lưới nghiên cứu toàn cầu để triển khai cách thức tiếp cận “Một sức khỏe” đã được nêu rõ.
EU nhấn mạnh sự hỗ trợ của mình trong cuộc chiến chống COVID-19, nhất là thông qua việc cung cấp 117 triệu liều vắc-xin (đã được chuyển giao cho đến hôm nay) cho các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua cơ chế COVAX.
Ngoài ra, một số đối tác, trong đó có New Zealand, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, đã kết nối hoặc đang trong quá trình kết nối hệ thống chứng chỉ COVID kỹ thuật số của các quốc gia này với hệ thống của EU và nêu bật lợi ích của việc sử dụng chứng chỉ COVID kỹ thuật số xuyên biên giới.
Các lĩnh vực hợp tác này sẽ được hưởng lợi từ các chương trình hợp tác Global Europe đang diễn ra cũng như sự phối hợp giữa các ngân hàng phát triển Châu Âu và các tổ chức tài chính khác đang hoạt động trong khu vực trong các lĩnh vực được thảo luận tại diễn đàn.
Diễn đàn Bộ trưởng về Hợp tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là nơi phản ánh và trao đổi nhằm xây dựng tầm nhìn chung giữa Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên và các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dựa trên các nguyên tắc bền vững và rộng mở.
Bộ trưởng Le Drian và Đại diện cấp cao Borrell hoan nghênh việc Cộng hòa Séc mong muốn cũng đưa Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trở thành ưu tiên trong nhiệm kỳ Séc làm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, một cam kết được tất cả các bên tham gia Châu Âu hoan nghênh./.