Hiện số ca nhiễm COVID-19 đang được điều trị trên toàn cầu là 1.218.737 trường hợp, với 1.168.907 ca có triệu chứng nhẹ (chiếm 96%) và 49.830 ca có triệu chứng nặng hoặc nghiêm trọng (chiếm 4% còn lại).
Yemen vừa trở thành nước tiếp theo được đưa vào bản danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện COVID-19 (nâng tổng số lên 210), sau khi nước này ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên là một người nước ngoài tới từ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Người du khách này đã nhập cảnh vào UAE qua cảng biển Shihr vào Al-Shehr thuộc tỉnh Hadramout, buộc các nhà chức trách của Hadramout phải ban bố lệnh giới nghiêm tại nhiều thành phố trực thuộc.
Bảng số liệu của worldometers.info cũng cho thấy, ba nước gồm: Mỹ, Tây Ban Nha và Italy tiếp tục đứng đầu danh sách các nước về số ca nhiễm COVID-19, với lần lượt 502.049; 158.273 và 147.577 trường hợp ghi nhận được.
Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 2.037 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại “điểm nóng” trên thế giới này lên 18.719 trường hợp. Con số này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng cao khi mô hình dự báo mới do Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc đại học Washington vừa công bố cho thấy, đỉnh dịch COVID-19 ở Mỹ sẽ diễn ra vào ngày mai (12/4), khiến 2.212 người sẽ tử vong và sau thời điểm này, số ca tử vong sẽ giảm dần.
Mô hình của IHME cũng ước tính tổng số ca tử vong ở Mỹ do COVID-19 tính đến tháng 8 sẽ là 60.415 trường hợp, với điều kiện các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng đến hết tháng 5/2020. Tạp chí Forbes cho hay, mô hình IHME đã được Nhà Trắng sử dụng để dự đoán số người tử vong và điều chỉnh cách chính phủ liên bang ứng phó đại dịch.
Dù số ca nhiễm đang đứng thứ 3 trong bảng đánh giá của worldometers.info, song số ca tử vong vì COVID-19 tại Italy đang ở mức cao nhất trên thế giới, với 18.849 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 570 ca tử vong mới vào một ngày trước đó. Italy hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì COVID-19 trên thế giới, nhưng tốc độ gia tăng của dịch bệnh đã có dấu hiệu chững lại khi chỉ bằng một phần so với vài tuần trước.
Trong một động thái mạnh tay nhằm thể hiện rõ quyết tâm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, ngày 10/4 đã tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 3/5 tới. Tuy nhiên, ông Conte cũng đồng ý cho phép một phần nhỏ các doanh nghiệp bị đóng cửa từ ngày 12/3 có thể hoạt động trở lại khi các lệnh hạn chế hiện tại hết hiệu lực vào tối 13/4./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)