Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo theo những tác động kinh tế có thể diễn biến xấu đi, do đó việc bảo đảm Singapore có thể tập trung đối phó với những thách thức này là nhân tố quan trọng để quyết định thời điểm tiến hành tổng tuyển cử.
Trả lời câu hỏi về thời điểm bầu cử tại buổi thảo luận về ngân sách do báo Straits Times và Business Times tổ chức, Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt cho biết ông vẫn đang trao đổi với Thủ tướng Lý Hiển Long về vấn đề này và thời điểm tổ chức tổng tuyển cử sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá tình hình thực tế.
Ông Vương Thụy Kiệt nhấn mạnh, ưu tiên hiện nay của Chính phủ Singapore là kiểm soát dịch bệnh lan rộng và hạn chế tác động đối với nền kinh tế. Ông đánh giá nhiều khả năng dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài tới cuối năm. Do đó, Singapore cần chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc liệu có tổ chức tổng tuyển cử khi dịch bệnh vẫn còn và liệu Ủy ban Bầu cử có tính tới các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho cử tri hay không, ông Vương Thụy Kiệt cho rằng giới chức Singapore vẫn đang tính tới tất cả những khả năng, đồng thời hy vọng sẽ có đủ những điều kiện cần thiết để tổ chức bầu cử.
Theo quy định, tổng tuyển cử kế tiếp tại Singapore sẽ diễn ra trước tháng 4/2021. Với việc thành lập Ủy ban Xem xét Khu vực Bầu cử (EBRC) hồi tháng 9/2019, giới quan sát chính trị tại Singapore cho rằng tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong quý 1 năm nay, sau khi báo cáo ngân sách 2020 được công bố. Các cuộc bầu cử trước đây thường diễn ra từ sau 2-7 tháng kể từ khi EBRC được thành lập.
[Kinh tế Singapore có nguy cơ rơi vào suy thoái do dịch COVID-19]
Liên quan tới tình hình dịch bệnh, cùng ngày 11/3, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani đã kêu gọi chính phủ khẩn trương thành lập ban chỉ đạo quốc gia chống dịch COVID-19.
Bà Maharani chỉ rõ, Ban chỉ đạo quốc gia có thể được tổ chức như một đội “đặc nhiệm," trong đó sẽ bao gồm các cơ quan liên bộ, liên khu vực đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm giúp chính phủ xử lý các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19, nhất là khi số người mắc bệnh này ở Indonesia đang ngày một tăng. Chính phủ Indonesia đang cân nhắc đề nghị này.
Trong khi đó, Ấn Độ ngày 11/3 đã quyết định cấm tất cả các tàu du lịch quốc tế cập cảng nước này nếu từng đến các quốc gia có dịch COVID-19 sau ngày 1/2.
Quyết định của Bộ Vận tải biển Ấn Độ cho biết biện pháp cấm sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/3. Với các tàu không thuộc diện cấm cũng chỉ được phép cập cảng có thiết bị quét nhiệt đối với hành khách. Tuy nhiên, nếu có hành khách có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 thì việc lên bờ sẽ bị cấm.
Hồi tháng trước, Chính phủ Ấn Độ đã chỉ đạo tất cả 12 cảng lớn lập tức đưa vào hệ thống sàng lọc, phát hiện và kiểm dịch như một biện pháp phòng ngừa sự bùng phát của COVID-19. Bộ Vận tải biển cũng ban hành hướng dẫn sàng lọc và kiểm dịch đối với 12 cảng biển này.
Cùng ngày, do lo ngại dịch COVID-19 lây lan, ban tổ chức giải golf Ấn Độ mở rộng (Indian Open) đã quyết định hoãn sự kiện này và xem xét lùi lịch sang một thời điểm khác trong năm nay. Giải golf theo kế hoạch sẽ diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ từ ngày 19-22/3 tới.
Trước đó, các giải golf Trung Quốc mở rộng (China Open), Kenya mở rộng (Kenya Open) và Maybank Championship cũng đưa ra quyết định tương tự trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp./.
Lê Dương-Hải Ngọc-Minh Luyến (TTXVN/Vietnam+)