Dịch Covid-19 đã lan sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ 

(ĐCSVN) - Theo số liệu mới nhất được công bố, tính đến sáng ngày 21/3, dịch Covid-19 do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) đã lan sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 275.864 người lây nhiễm, trong đó có 11.398 ca tử vong. Châu Âu hiện vẫn chìm trong cơn bão dịch.
Dịch Covid-19 đã lan sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ

Italy

The Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ghi nhận, tính đến thời điểm hiện tại, nước này có 47.021 ca nhiễm Covid-19, trong đó 4.032 ca tử vong. Với số ca tử vong được ghi nhận Italy trở thành nước có nhiều ca tử vong nhất vì virus SARS-CoV-2, hơn cả Trung Quốc - nơi tới nay mới ghi nhận 3.255 trường hợp tử vong.

Từ một trong những quốc gia tự tin có thể ngăn cản được dịch Covid-19, giờ đây Italy đã trở thành tâm điểm của đại dịch tại châu Âu và là quốc gia có số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều thứ 2 thế giới.

Quân đội Italy đã được huy động hỗ trợ lệnh phong tỏa sau khi giới chức thông báo có thêm 627 bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua. Đây là con số tử vong vì Covid-19 cao nhất trong một ngày của một quốc gia trên thế giới.

Những cảnh tượng đau lòng đang diễn ra ở miền Bắc đất nước, đặc biệt là vùng Lombardy nơi các bệnh viện vật lộn để điều trị cho trên 20.000 ca nhiễm bệnh. Theo CNN, các chuyên gia y tế Trung Quốc hỗ trợ Italy đối phó với cuộc khủng hoảng cho biết lệnh giới hạn tại Lombardy vẫn "chưa đủ nghiêm". Hiện tại, Thống đốc vùng Lombardy Attilio Fontana đã đồng ý huy động quân đội hỗ trợ lệnh phong tỏa.

Trong lúc nguồn lực y tế của Italy đang thiếu thốn nghiêm trọng, có tới 3.654 nhân viên y tế nước này đã lây nhiễm bệnh và 17 bác sĩ đã tử vong vì Covid-19, theo thông báo của Viện Y tế quốc gia Italy.

Người dân đi lại trên đường phố tại Italy giữa cơn bão dịch Covid-19. (Ảnh: aa.com.tr) 

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha trở thành “điểm nóng” dịch thứ 2 ở châu Âu. Bộ Y tế nước này ghi nhận tính đến thời điểm hiện tại có 21.510 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.093 trường hợp tử vong.

Trong số các ca dương tính với chủng virus SARS-CoV-2, gần nửa số ca là ở thủ đô Madrid. Các lãnh đạo địa phương cho biết nơi này đang vô cùng khan hiếm đồ bảo hộ và vật tư y tế.

Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa gần như toàn bộ và cấm mọi người rời khỏi nhà trừ trường hợp đi làm, mua thức ăn hoặc cần chăm sóc y tế. Số tiền phạt vì vi phạm các quy tắc trên có thể lên tới 30.000 EURO.

Theo Daily Mail, số ca nhiễm virus ở Tây Ban Nha có thể tiếp tục tăng cao vì nước này đang phải vật lộn với sự thiếu hụt các bộ dụng cụ xét nghiệm.

Pháp

Ngày 20/3, nước này ghi nhận có tổng cộng 12.612 ca nhiễm Covid-19 và 450 trường hợp tử vong. Nước này ghi nhận có 78 người tử vong trong 24 giờ.

Thủ tướng Edouard Philippe thông báo Chính phủ chuẩn bị ban bố "Tình trạng khẩn cấp y tế" trên toàn quốc hoặc một phần lãnh thổ Pháp và các vùng lãnh thổ hải ngoại. Đây là một trong những dự luật được trình lên Hội đồng bộ trưởng ngày 18/3, trong bối cảnh số người lây nhiễm "tăng lên gấp đôi hàng ngày".

Cũng trong ngày 20/3, Tổng thống Emmanuel Macron đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng để thảo luận về cuộc khủng hoảng Covid-19 và đánh giá về việc thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển tối đa, có hiệu lực từ trưa 17/3. Lệnh hạn chế này, có thời hạn ban đầu là 2 tuần, có thể sẽ được kéo dài thành 4 tuần tùy theo diễn biến của tình hình thực tế.

Đức

Nước này ghi nhận, tính tới thời điểm hiện tại đã có 19.848 ca mắc Covid-19 và 68 ca tử vong.

Trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Nhấn mạnh tình hình rất nghiêm trọng, Thủ tướng Merkel kêu gọi toàn thể dân chúng tuyệt đối tuân thủ các quy định và những hạn chế mà chính quyền liên bang và các bang đưa ra, nhấn mạnh, cần phải giảm thiểu tất cả những gì có thể gây nguy hiểm cho mọi người ở Đức.

Anh

Tính đến hết ngày 20/3, nước này ghi nhận đã có 3.983 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 177 trường hợp tử vong.

Ngày 18/3, thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo quyết định đóng cửa tất cả các trường học trên toàn quốc kể từ ngày 20/03, đồng thời yêu cầu chính phủ chuẩn bị một kế hoạch phong tỏa thủ đô London, trong đó có việc đóng cửa các trạm xe buýt, hạn chế các phương tiện chuyên chở công cộng, đóng cửa một số doanh nghiệp, hạn chế đi lại và tụ tập. Thủ tướng Anh cũng vừa ban hành lệnh bán phong tỏa đất nước. Theo nhà lãnh đạo Anh, đây là biện pháp tăng cường cần thiết do số người mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 đang gia tăng nhanh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng ông tự tin Vương quốc Anh có thể làm giảm sự lây lan của Covid-19 trong vòng 3 tháng tới thông qua các biện pháp khắt khe để hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân. 

 
Chuyên gia Hội trưởng Hội Chữ Thập đỏTrung Quốc nhận định lệnh phong tỏa, kiểm soát tại Italy vẫn "chưa đủ nghiêm" để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan. (Video: time.com)

Châu Á

Trung Quốc

Theo Hãng tin Reuters, chính quyền Trung Quốc thông báo trong ngày 20/3, nước này ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp không có ca lây nhiễm mới nào trong nước, mặc dù số ca bệnh từ nước ngoài vào nước này vẫn tiếp tục tăng.

Cụ thể, theo thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia, ngày 20/3, Trung Quốc có thêm 41 ca mới, tất cả đều từ nước ngoài đưa vào, nâng tổng số ca bệnh Covid-19 “nhập khẩu” tới nay tại Trung Quốc là 269 trường hợp. Trong đó, số ca mới tăng nhiều nhất tại Bắc Kinh (14), Thượng Hải và 6 tỉnh thành khác của Trung Quốc cũng ghi nhận những ca bệnh từ nước ngoài vào.

Iran

Là nước đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong do bệnh Covid-19, Iran ghi nhận 1.433 trường hợp tử vong và 19.644 người nhiễm.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur, cứ 10 phút lại có 1 người tử vong do Covid-19 và cứ mỗi giờ lại có thêm 50 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chính phủ Iran đã ra lệnh đóng cửa các trường học, cấm tổ chức các sự kiện thể thao, tụ tập văn hóa và tôn giáo. Iran cũng đã đóng cửa 4 thánh đường Hồi giáo Shiite.

Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới lễ mừng năm mới Nowruz của người Iran bắt đầu từ ngày 20/3. Giới chức kêu gọi người dân ở nhà, tránh đi lại trong kỳ nghỉ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Singapore

Bộ trưởng Y tế nước này Gan Kim Yong thông báo sáng ngày 21/3 Singapore đã ghi nhận 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 tử vong do những biến chứng phức tạp của bệnh.

Singapore thời gian qua được thế giới khen ngợi về cách tiếp cận đối với việc quản lý dịch bệnh Covid-19 và chưa ghi nhận ca tử vong nào do bệnh này trước ngày 21/3 dù cho dịch Covid-19 đã hoành hành dữ dội ở nhiều nước châu Á và các châu lục khác.

Số ca bệnh Covid-19 ở Singapore đã tăng trong tuần qua so với đầu tháng 3 và tháng 2, với hầu hết ca mới là từ nước ngoài vào, như từ Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á.

Thái Lan

Bộ Nội vụ Thái Lan đã ra lệnh cho các tỉnh trưởng của tất cả các tỉnh biên giới tạm thời đóng cửa biên giới từ ngày 22/3 để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.

Thư ký thường trực Bộ Nội vụ Chatchai Promlert đã gửi thư khẩn, yêu cầu thực hiện biện pháp nói trên, nhưng cũng lưu ý rằng mỗi tỉnh sẽ được phép duy trì mở cửa thường xuyên một cửa khẩu nếu cần thiết phải sử dụng các điểm qua lại biên giới. Riêng tỉnh Chiang Rai có biên giới với cả Myanmar và Lào sẽ được phép tiếp tục mở hai cửa khẩu (mỗi nước một cửa khẩu), nhưng các biện pháp nghiêm ngặt phải được thực thi để sàng lọc người qua lại biên giới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob cho biết Cục Hàng hải cũng đã ra lệnh mới, trong đó yêu cầu hành khách và thủy thủ đoàn nhập cảnh Thái Lan phải được tách riêng và cách ly theo yêu cầu của các quan chức kiểm soát dịch bệnh

Châu Mỹ

Brazil

Ngày 21/3, Bộ Y tế Brazil công bố nước này ghi nhận có 97 ca dương tính với Covid-19, trong đó 11 ca tử vong.

Thông báo chính thức của Bộ Y tế Brazil cho biết mặc dù mới chỉ có 5 trong tổng số 27 bang xuất hiện các trường hợp lây lan cộng đồng, song bộ này quyết định tuyên bố tình trạng lây lan cộng đồng trên phạm vi cả nước nhằm tạo thuận lợi cho công tác đối phó với dịch Covid-19. Điều này sẽ cho phép cơ quan chức năng trên toàn quốc ra lệnh cách ly ít nhất 14 ngày đối với tất cả những người có triệu chứng mắc bệnh.

Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cảnh báo nếu không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, số ca nhiễm bệnh mới sẽ còn tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 và có thể giảm từ sau tháng 8.

Canada

Giới chức y tế nước này ghi nhận, tính đến nay số ca dương tính Covid-19 đã lên tới 1.087, trong đó 12 ca tử vong.

Thủ tướng Justin Trudeau cho biết nước này sẽ hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và nghiên cứu triển khai các biện pháp khẩn cấp để làm chậm lại đà lây lan của đại dịch này

Các biện pháp khác có thể sẽ được chính phủ cân nhắc như tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn nhiều hơn, giúp đỡ những người gặp khó khăn khi vay thế chấp, tăng phúc lợi chăm sóc trẻ em và hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập thấp. Mọi người dân cũng sẽ được gia hạn thời gian để khai thu nhập đóng thuế.

Mỹ

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 14.265 ca mắc virus SARS-CoV-2 tại Mỹ và 218 ca tử vong. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận ở Mỹ tiếp tục tăng hơn 40% trong một đêm. 

Bộ Ngoại giao Mỹ phát cảnh báo đi lại cấp độ 4, khuyến cáo công dân không ra nước ngoài và khuyên người Mỹ ở các nước sớm quay về.

Quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đóng biên và áp hạn chế đi lại để kiểm soát Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/3 cũng tuyên bố cấm người dân đến từ 26 nước châu Âu trong 30 ngày kể từ  đêm 13/3. Lệnh cấm được mở rộng với cả Anh và Ireland 1 ngày sau đó.

Dịch Covid-19 đến nayđ ã xuất hiện tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bối cảnh các lãnh đạo thế giới giải ngân gần 1.000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu./.

 
Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)
200 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 598
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 598
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87209287