Dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Đông Nam Á 

(Chinhphu.vn) - Các nước Đông Nam Á đang loay hoay ứng phó đại dịch COVID-19 khi biến chủng Delta đẩy số ca nhiễm tăng cao, đánh mạnh vào hệ thống y tế bị quá tải.
Dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Đông Nam Á
Với việc số ca nhiễm và tử vong tăng kỷ lục vài tuần gần đây, Indonesia trở thành tâm dịch mới của châu Á. Cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước này được cho là sự lặp lại của đợt sóng thứ hai tại Ấn Độ vài tháng trước. Số ca bệnh tăng cao, hệ thống y tế quá tải đến mức bệnh nhân phải chờ có người qua đời mới có được giường bệnh và đáng lo ngại là nước này vẫn chưa đạt đỉnh dịch, theo CNN. Tính đến hôm qua, Indonesia vẫn còn hơn 520.000 ca bệnh đang điều trị trong khi số ca nhiễm mới gần đây luôn trên mức 50.000 ca/ngày. Trong tình hình đó, nhà chức trách nước này đang cân nhắc gia hạn thêm lệnh hạn chế đi lại ngăn dịch, đang được áp dụng tại nhiều vùng nhưng dự kiến kết thúc vào ngày 20/7.

Theo tờ Straits Times, số bác sĩ tử vong vì COVID-19 tại Indonesia đã tăng mạnh trong nửa đầu tháng 7. Có tổng cộng 114 bác sĩ đã tử vong từ ngày 1-17/7, con số cao nhất trong bất kỳ khoảng thời gian nào tương tự và chiếm tới trên 20% trong tổng số 545 bác sĩ đã tử vong vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Giới chức Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI) hiện rất lo ngại nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ. 

Sau khi ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy trong ngày thứ ba liên tiếp, ngày 18/7, Chính phủ Thái Lan thông báo mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế sang 3 tỉnh để phòng dịch COVID-19. Trong khi đó, nhóm điều hành Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Thái Lan cũng đề xuất các biện pháp phong tỏa bổ sung. 

Thông báo trên Công báo Hoàng gia Thái Lan nêu rõ từ ngày 20/7, 3 tỉnh Chonburi, Ayutthaya và Chachoengsao sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế bao gồm đóng cửa các trung tâm mua sắm, hạn chế đi lại và thực hiện lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau. 

Từ ngày 12/7 vừa qua, thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác đã thực hiện những biện pháp nêu trên. Đây là những hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng trong hơn 1 năm qua tại Thái Lan, trong bối cảnh nước này đang đối phó với đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. 

Tại Campuchia, số ca tử vong vẫn cao trong vài tuần qua khi dao động từ 20-40 ca mỗi ngày và hôm qua có thêm 30 ca. Một trong những mối lo ngại lớn hiện nay của Campuchia là số ca nhiễm từ nước ngoài về ngày càng tăng, hầu hết từ Thái Lan, và nỗi lo xuất hiện ca nhiễm biến chủng Delta trong số đó. Theo tờ Khmer Times, hệ thống chăm sóc y tế của Campuchia đang đứng bên bờ vực quá tải do số ca nhiễm mới tăng nhanh còn các bệnh nhân hồi phục chậm, đặc biệt tại các tỉnh đang có đợt bùng phát mới. Tính đến hôm qua, Campuchia có 7.138 ca bệnh còn đang chữa trị. Riêng tại thủ đô Phnom Penh, mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng những cảnh báo về người bị nhiễm tại các siêu thị mới đây cho thấy COVID-19 vẫn còn là một thử thách lớn.

Bộ Y tế Lào ngày 18/7 thông báo thêm 131 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong đó có 8 ca lây nhiễm cộng đồng tại tỉnh Champasak. Số ca mắc mới còn lại đều là người nhập cảnh và được cách ly ngay.

Bộ Y tế Lào tiếp tục bày tỏ quan ngại trước sự lây lan nguy hiểm của biến thể Delta đang khiến dịch diễn biến phức tạp tại nước láng giềng Thái Lan. Đặc biệt, việc áp dụng phong tỏa tại Thái Lan khiến lượng lớn lao động Lào tại quốc gia láng giềng thất nghiệp về nước mang theo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao vào cộng đồng. Trước tình hình trên, Lào tiếp tục kêu gọi lao động Lào làm việc bất hợp pháp ở Thái Lan về nước thông qua các cửa khẩu chính ngạch để được hỗ trợ nhập cảnh, sàng lọc y tế và cách ly theo quy định.

Bộ Y tế Malaysia ngày 18/7 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 153 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, đưa tổng số tử vong do dịch bệnh này lên 7.019 người.

Trong 24 giờ qua, Malaysia cũng có thêm 10.710 ca nhiễm mới, trong đó 10.698 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 12 ca nhập cảnh. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Malaysia là 916.561.

Trong một phát biểu đưa ra cùng ngày, Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob kêu gọi người dân kiên nhẫn vì dự kiến sẽ mất 4-5 tháng nữa mới có thể đi lại giữa các bang. Ông nhấn mạnh việc đi lại giữa các bang phải đợi tới khi Malaysia đạt miễn dịch cộng đồng, dự kiến vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới, do đó người dân không nên đi xuyên bang về quê vào dịp lễ hội Hari Raya Haji (trong tháng 7).

Bộ Y tế Singapore cũng thông báo ghi nhận thêm 88 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng - mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, chủ yếu do số ca nhiễm mới tăng nhanh liên quan đến quán bar, karaoke KTV và cảng cá Jurong. Trong số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, có tới 23 ca liên quan đến "ổ dịch" KTV và 37 ca liên quan đến cảng cá Jurong.

Để phòng ngừa, nhà chức trách Singapore ngày 18/7 đã quyết định đóng các cửa hàng bán cá tươi và hải sản tại tất cả các khu chợ, đồng thời xét nghiệm COVID-19 cho các chủ quầy.

An Bình

89 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 864
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 864
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76785864