Đề xuất nâng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách 

(ĐCSVN) – Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy định trong dự thảo Luật về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Đề xuất nâng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Chiều ngày 09/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp toàn thể hội trường, đa số  đại biểu Quốc hội nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa nghị quyết của Đảng và trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp để có thể thực hiện được ngay, bảo đảm tính ổn định của Luật và của công tác cán bộ, tổ chức bộ máy nhà nước.

Theo đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định), chất lượng hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào đại biểu Quốc hội và phải lấy đại biểu Quốc hội làm trung tâm. Ngoài tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu đề xuất sửa đổi, bổ sung số điều như tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo đó, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là phải 40% tổng số đại biểu, trong đó nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định khoảng 3% đến 5% cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ điều kiện và sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ, uy tín có thể tham gia làm đại biểu Quốc hội chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội đã đáp ứng yêu cầu hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của Quốc hội.

“Để nâng cao chất lượng đại biểu, tôi đề nghị bổ sung, thiết kế thêm một điều là chuẩn bị để đại biểu tham gia ứng cử cho cử tri lựa chọn như tăng tỷ lệ ứng cử trên trúng cử. Ví dụ, tỷ lệ này ở khóa XIV là 870/500 đại biểu, tỷ lệ 1,74, nên tăng tỷ lệ này ở khóa XV và tăng dần lên.Đồng thời, nên tăng tính tranh luận về chương trình hành động của đại biểu để cử tri lựa chọn, mở rộng thành phần tham gia ứng cử từ các nhà quản lý, tri thức có uy tín, tâm huyết để giới thiệu nhiều nhân tài cho Nhân dân chọn lựa”, đại biểu cho biết.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng đây là nội dung đổi mới cần thiết để các đại biểu Quốc hội có đủ điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện nhiệm vụ. Đại biểu nêu rõ, các hoạt động của đại biểu chuyên trách vô cùng quan trọng, là trụ cột cho các hoạt động của Quốc hội; đề nghị, cần triển khai ngay quy định này trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị cần tăng đại biểu chuyên trách cho các địa phương với ít nhất 2 đại biểu, trong đó 1 đại biểu lãnh đạo đoàn và 1 đại biểu chuyên trách. Theo đại biểu Nguyễn Hồng Vân, việc tăng như vậy sẽ bảo đảm tính kế thừa tính liên tục, đặc biệt là đáp ứng cho yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ. Đại biểu nhấn mạnh nhiều địa phương vừa rồi chỉ có 1 đại biểu chuyên trách nên rất khó trong hoạt động, đặc biệt là ở lĩnh vực giám sát.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) lưu ý chủ trương tăng đại biểu chuyên trách là đúng nhưng tăng đại biểu chuyên trách thì cũng phải tăng chất lượng hoạt động của đại biểu, nếu không đồng bộ hai yếu tố này  đồng nhất hai yếu tố này sẽ rất lãng phí từ đầu tư cho hoạt động của đại biểu.

Phát biểu tại phiên họp Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận các vị đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội về cơ bản đồng ý với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các vị đại biểu Quốc hội đồng ý với việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách từ  ít nhất 35% lên 40%.

Về ý kiến đề nghị quy định rõ hơn tiêu chuẩn của các vị đại biểu Quốc hội tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội so với hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm rõ đại biểu Quốc hội là những người tiêu biểu, ưu tú, đại diện cho các giai tầng, các cơ quan trong hệ thống tổ chức, trong hệ thống chính trị cho nên không thể đưa hết tiêu chuẩn riêng của từng khối, từng giai tầng vào trong điều luật. Quy định của Luật là quy định chung và trong quá trihf áp dụng có các văn bản quy định của Đảng, Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội có tiêu chuẩn riêng đối với từng khối, từng cơ quan để lựa chọn ra những người tiêu biểu, ưu tú nhất để vào làm đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ hướng đến mục tiêu sửa luật lần này góp phần nâng cao hơn nữa nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội./.

 
Bích Liên
185 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1193
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1193
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76450220