Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2018.
Trình bày dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2018, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát 2018 là: Vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất. Không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất. Bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực. Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Về số lượng chuyên đề giám sát của các cơ quan, Tổng thư ký Quốc hội dự kiến đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; UBTVQH giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2018; Hội đồng Dân tộc giám sát không quá 3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát không quá 2 chuyên đề, báo cáo kết quả với UBTVQH và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, qua xin ý kiến các cơ quan, đã nhận được 196 nội dung kiến nghị, tập trung vào 8 nhóm vấn đề. Theo đó, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan và xem xét tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội trình UBTVQH xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung chuyên đề cụ thể để trình Quốc hội gồm: 1- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả, thua lỗ. 2- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội. 3- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư. 4- Việc thực hiện Luật Thủ đô. 5- Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 6 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu đồng tình lựa chọn 3 chuyên đề 1, 2, 5 nhưng chuyên đề 1 chỉ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà không giám sát với xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả, thua lỗ bởi hai nội dung này khác nhau. Ngoài ra các đại biểu cũng đề nghị giám sát nhiều nội dung chuyên đề khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị giám sát ở mức cao nhất việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực đối với trẻ em. Bà giải thích “Đây là vấn đề được giám sát từ năm 2012 giám sát giai đoạn 2009-2011, và vừa rồi chúng tôi có những cuộc điều trần cho thấy tình hình không giảm, mà có hướng tăng thêm, con số của các báo cáo không phản ánh đúng thực trạng tình hình. Hơn nữa, nếu chiếu vào vào các tiêu chí lựa chọn được Tổng Thư ký Quốc hội đưa ra thì vấn đề này đáp ứng đủ”.
Đề nghị của bà Nga được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình và nhấn mạnh thêm “Kết quả phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, chưa nói đến xâm hại khác cho thấy năm 2015 xảy ra 1717 vụ, năm 2016 xảy ra 1641 vụ, quí 1/2017 xảy ra 375 vụ, đấy là những vụ được phát hiện, vì vậy tôi thấy vấn đề này nên giám sát”. Tuy vậy, giám sát ở mức độ nào thì cần cân nhắc cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị giám sát thêm việc thực hiện chính sách pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số. “Nhìn tổng thể thực hiện chính sách chung của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều tồn tại. Khi đi tiếp xúc cử tri phát sinh nhiều vấn đề như đặc thù của các vùng miền khác nhau thì chính sách tổng thể nên như thế nào? Vì vậy để tham mưu kịp thời chính sách dân tộc thiểu số thì cần đánh giá lại” – ông Hải phát biểu.
Đề nghị trên của Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải được Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đồng tình và đề nghị giám sát thêm việc thực hiện chính sách pháp luật với các công trình trọng điểm do Quốc hội quyết định.
Trong khi đó, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị bổ sung giám sát chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trong việc thu hồi nhằm mục đích phát triển kinh tế- xã hội. Bà giải thích “căn cứ theo tiêu chí lựa chọn thì thấy đây là vấn đề bức xúc nổi lên. Chúng tôi cũng giám sát thường kỳ và nhận thấy việc khiếu nại tố cáo xung quanh thu hồi đất đai là vấn đề khi thực hiện chính sách pháp luật còn bất cập”.
Tham dự phiên họp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh kiến nghị ngoài việc giám sát các vấn đề bức xúc hiện nay thì quan tâm giám sát những chủ trương mới, nghị quyết mới ban hành sẽ thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị quan tâm việc phát triển kinh tế liên quan đến ngành du lịch, bởi Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết và qua các phiên thảo luận thấy các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm vấn đề này. Nội dung thứ hai được bà đề nghị quan tâm là những vấn đề liên quan tới tổ chức bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức. Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị UBTVQH quan tâm giám sát lại những nội dung thực hiện kiến nghị của các đoàn giám sát. Phó Chủ tịch nước ví dụ “Tôi biết đã có giám sát về vấn đề xâm hại trẻ em và đã có những kiến nghị rất cụ thể nhưng đến nay việc thực hiện như thế nào thì chưa được đánh giá”.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch nước đề nghị cùng với việc giám sát chuyên đề về việc thu hồi đất thì cần giám sát việc sử dụng đất, quy hoạch đất. “Nhiều cụm, tuyến khu công nghiệp ta quy hoạch rồi để đó nên đang lãng phí lớn” – Phó Chủ tịch nước nói.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Nhìn chung các ý kiến phát biểu đồng tình với báo cáo về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2018. Trên cơ sơ đặc điểm tình hình năm 2018, các ý kiến cũng nhất trí với chương trình giám sát; số lượng chuyên đề giám sát của các cơ quan.
Về nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, đa số ý kiến phát biểu đã tập trung vào các chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Việc thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em; Việc thực hiện chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số.
UBTVQH sẽ trình Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao 2 nội dung trong năm 2018.
Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ./.
Kim Thanh