Những kết quả đạt được thể hiện trên các mặt: Giá trị sản lượng nông nghiệp tăng bình quân 4,6%/năm; sản xuất lương thực liên tục được mùa, sản lượng đạt gần 25 vạn tấn/năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực nội tỉnh; kim ngạch xuất khẩu nônglâm, thuỷ sản đạt gần 17 triệu USD. Thu nhập bình quân của các hộ gia đình nông dân tăng 2,3 lần so với năm 2000. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh, thâm canh. Các loại cây nông nghiệp hàng hoá phát triển, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến.
Về công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, bình quân mỗi năm trồng được 5.297 ha, khoanh nuôi tái sinh 4.242 ha rừng các loại. Độ che phủ của rừng đạt 49,5%. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác tăng 2,6 lần so với năm 2000. Về chăn nuôi, mặc dù dịch bệnh liên tiếp xảy ra nhưng đàn trâu, bò vẫn tăng 19,5%, đàn lợn tăng 27,5%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của những gia súc chủ yếu tăng 93% (9.882 tấn). Cơ cấu đàn gia súc gia cầm đang phát triển theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hoá, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về sind hoá đàn bò, nạc hoá đàn lợn, gia cầm siêu trứng siêu thịt...ngày càng rộng rãi.
Về kinh tế thuỷ sản tiếp tục phát triển với tốc độ khá nhanh, phương thức, đối tượng ngày càng đa dạng. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng thâm canh, chuyên canh mở rộng qui mô sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng tập trung như vùng lúa ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh; vùng sắn nguyên liệu ở Hướng Hoá và các huyện; vùng cao su ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; vùng cà phê ở Hướng Hoá; vùng rau đậu thực phẩm ven đô và vùng cát ven biển; vùng nuôi trồng thuỷ sản công nghiệp, bán công nghiệp ven sông Hiền Lương, sông Hiếu, sông Thạch Hãn...
Hệ thống chế biến nông lâm thủy sản phát triển rộng khắp ở các vùng nguyên liệu, các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 6 nhà máy và cơ sở chế biến cà phê công suất khoảng 60.000 tấn quả tươi/năm; 4 nhà máy và xưởng chế biến cao su công suất 13.000 tấn mủ khô/năm; 2 nhà máy chế biến gỗ MDF công suất 60.000 m3 /năm; 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất 90.000 tấn bột/năm. Số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chế biến nông, lâm sản trong nông thôn tăng.
Công tác chuyển đổi hình thức quản lý của các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn sang công ty cổ phần hoặc công ty TNHH một thành viên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều doanh nghiệp sau khi chuyển đổi đã làm ăn có lãi, đứng vững trong cơ chế thị trường.
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi mang lại hiệu quả thiết thực như giống lúa chất lượng cao, giống ngô, lạc, sắn cao sản, cà phê chè catimo, keo lai dâm hom, lợn siêu nạc, bò lai zêbu, gia cầm siêu trứng siêu thịt, tôm cua sạch bệnh...từng bước làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, hiện đại, năng suất, chất lượng ngày càng cao.
Qua những số liệu trên có thể thấy, tỉnh Quảng Trị đã trải qua một chặng đường khá thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tài nguyên nghèo nàn, vốn đầu tư ít, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, thị trường biến động bất lợi… nhưng tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp thu được nhiều kết quả ấn tượng, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tạo nền tảng vững chắc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo ổn định chính trị xã hội.
Hiện nay, cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới trong nông nghiệp. Yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm chất lượng cao, bảo vệ môi trường… đang đặt ra rất cấp thiết. Những thách thức trong cạnh tranh tài nguyên nông nghiệp, giá lao động tăng, thị trường biến động, biến đổi khí hậu và rủi ro thời tiết, rủi ro an ninh sinh học… có tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới, để cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh diễn ra thuận lợi, phát huy được lợi thế, tận dụng được cơ hội và hạn chế các thách thức, cần triển khai các giải pháp sau: Về cơ cấu lại nông nghiệp, cần chọn ngành lợi thế có điều kiện, năng lực sản xuất, có qui mô lớn, thị trường ổn định. Xây dựng chuỗi giá trị từ tổ chức ngành hàng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đến tiêu chuẩn kỹ thuật. Quan tâm tiếp cận thị trường, từ vận chuyển, bảo quản, lưu thông, phân phối, quảng cáo, tiếp thị, thanh toán, dịch vụ.
Bên cạnh đó, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, từ đầu vào, chất lượng, giá cả đến sản xuất quy mô, đúng kỹ thuật, cơ giới hóa, thủy lợi hóa. Sau thu hoạch, phải tiến hành sơ chế tốt, kho tàng tốt, đóng gói, vận chuyển tốt. Đầu tư chế biến sâu, chế biến phụ phẩm. Chú trọng khâu truy xuất nguồn gốc, chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Để nông nghiệp trở thành nền tảng thúc đẩy tăng trưởng và là động lực phát triển mới, cần đổi mới công tác quản lý, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển công nghiệp chế biến và văn minh đô thị.
Nguyễn Quốc Thanh