Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2017.
Thi hành án với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng tăng
Về kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS) hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về THADS cơ bản đã được hoàn thiện, với 2 nghị định, 8 thông tư liên tịch, 1 chỉ thị và 13 thông tư. Về kết quả, trong tổng số việc phải thi hành qua phân loại có 693.264 việc có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ trên 79%; đã thi hành xong 549.415 việc, tăng 18.987 việc (tương ứng 0,72%), đạt tỉ lệ 79,25%.
Về tiền phải thi hành 163.658 tỷ đồng, kết quả phân loại 92 ngàn tỷ có điều kiện thi hành, chiếm 56,21%; thi hành xong 35.242 tỷ đồng, tăng 6.144 tỷ đồng tương ứng 21,12%, đạt tỷ lệ 38,31%. Số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển kỳ sau là 320.015 việc, tương ứng số tiền hơn 128.415 tỷ đồng, giảm 1.152 việc, bằng 0,19%, tương ứng số tiền 398 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày
Báo cáo về công tác thi hành án năm 2017. (Ảnh: TL)
Bên cạnh đó, công tác xác minh các loại án tiếp tục được chú trọng. Việc ra quyết định và đăng tải công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được thực hiện nghiêm túc, qua đó, giúp người dân và đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án
Về thi hành án với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng cho biết đã thi hành xong 4.440 việc, đạt tỷ lệ 19.76%, tăng 1.092 việc bằng 2,41%, thu được số tiền là 27.701 tỷ đồng, bằng 27,89%, tăng 8.046 tỷ đồng, bằng 2,9%. Sau khi có quyết định cưỡng chế, có 1.146 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, tăng 18 trường hợp, đã thực hiện cưỡng chế có huy động lực lượng đối với 5.549 trường hợp, tăng 57 trường hợp.
Công tác phối hợp thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự tại trại giam, trại tạm giam, đã thi hành xong 49.520 việc, thu được số tiền là 2.795 tỷ đồng, tăng 0,11% về việc và tăng 1,96% về tiền.
Các cơ quan THADS phối hợp với thừa phát lại thực hiện tống đạt 82.933 văn bản và tổ chức thi hành án với 88 việc.
Về giải quyết khiếu nại tố cáo, hệ thống THADS đã tiếp nhận 3.476 việc thuộc thẩm quyền. Kết quả, giải quyết xong 3.334/3.476 việc (3.043 việc khiếu nại và 291 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 95,91% (tương đương năm 2016 là trên 96%).
Về kết quả theo dõi thi hành án hành chính, có 36 bản án, quyết định, thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan THADS, đã ban hành văn bản thông báo trách nhiệm tự nguyện thi hành án với 297 việc, 64 việc còn lại Tòa án đã có quyết định buộc phải thi hành án. Đã thi hành xong 276 việc, còn 85 việc trong đó có 5 vụ việc người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS, hành chính còn tồn tại hạn chế như kết quả thi hành án các khoản nợ của tổ chức tín dụng chưa cao; một số vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm chưa được xử lý dứt điểm; công chức bị xử lý kỷ luật do vi phạm chuyên môn nghiệp vụ đã giảm so với 2016 là 7 trường hợp nhưng vẫn còn 29 trường hợp…
Khiếu nại, tố cáo lĩnh vực thi hành án vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng
Bên cạnh đó, hoạt động của thừa phát lại cũng còn những tồn tại: triển khai còn chậm, tuyên truyền hạn chế, một số văn phòng hoạt động chưa hiệu quả, chưa đồng đều…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: UBTP cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong công tác THADS năm 2017.
Tuy nhiên, UBTP đánh giá việc chấp hành các quy định mới về việc xác minh điều kiện thi hành án ở nhiều địa phương vẫn còn xảy ra vi phạm; việc cập nhật, đăng tải trên cổng thông tin điện tử về các trường hợp chưa có điều kiện thi hành theo quy định còn chưa được thường xuyên. Số án có điều kiện thi hành nhưng chưa tổ chức thi hành xong phải chuyển năm sau còn rất lớn (143.849 việc/56.757 tỷ đồng, so với năm 2016 chỉ giảm được 0,79% về việc và 0,7% về tiền).
Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế THADS còn một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ nên dẫn đến phát sinh các khiếu nại gay gắt, số vụ cưỡng chế có sai phạm dẫn đến phải bồi thường thiệt hại tăng so với năm trước. Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, trong đó, phần lớn về cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản bảo đảm thi hành án; cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá. Đáng lưu ý, cho đến nay, vẫn chưa giải quyết dứt điểm 87 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đã kéo dài qua nhiều năm.
”UBTP đề nghị, Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả việc xác minh, phân loại án, phân tích rõ hơn nguyên nhân để có giải pháp khắc phục vướng mắc trong xử lý số vụ việc kê biên, bán đấu giá tồn đọng nêu trên; đồng thời, đánh giá đầy đủ tình hình và kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài và các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.
Nhìn chung, số vụ việc thi hành án hành chính xong đạt tỷ lệ thấp, còn 85 việc chưa thi hành được, trong đó có 50 việc mà người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân (UBND), Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
UBTP cho rằng, đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm. Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời, cần tiếp tục có biện pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
"Đề nghị Chính phủ công khai trước Quốc hội những UBND, Chủ tịch UBND chậm trễ hoặc không thi hành bản án hành chính của Tòa án và làm rõ trách nhiệm trong từng trường hợp cụ thể”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh./.
Nhóm PV