Đẩy mạnh phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ 

(QT) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 năm 2012 của Huyện ủy “Về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CNTTCN) và thương mại- dịch vụ (TM- DV) đến năm 2015, có tính đến năm 2020”, giá trị CN- TTCN, TM- DV trên địa bàn huyện Triệu Phong tăng trưởng khá. Đến cuối năm 2016, toàn huyện có 3.965 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực CN- TTCN, TM- DV, tăng 1.078 cơ sở so với năm 2012, thu hút 14.528 lao động, thu nhập bình quân 3-4 triệu/đồng/người/tháng. Giá trị CN- TTCN, ngành nghề đạt 443.861 triệu đồng, chiếm 13,5% tổng giá trị các ngành, tăng bình quân hàng năm 11,6%. Giá trị ngành TM- DV đạt 1.196.395 triệu đồng, chiếm 36,3% tổng giá trị sản xuất các ngành, tốc độ tăng bình quân hàng năm 15,4%.

Chợ trung tâm thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Ảnh: PV

 Để có được kết quả này, huyện Triệu Phong đã triển khai thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, huy động các thành phần kinh tế, các nguồn lực để phát triển. Trong đó, ưu tiên phát triển CN có tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu như chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, tiếp cận thị trường được triển khai tích cực; công tác khuyến công, hỗ trợ sản xuất được quan tâm; cải cách hành chính trong đầu tư phát triển CN- TTCN, TM- DV được chú trọng.

 Hệ thống chợ nông thôn được quan tâm xây mới, nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân. Các ngành nghề truyền thống được quan tâm phục hồi, có bước phát triển khá ổn định, đã có 4 làng nghề được công nhận. Một số sản phẩm CN- TTCN, TM- DV bước đầu cho hiệu quả tốt như nước mắm, đồ gỗ. Chú trọng củng cố và phát triển ngành nghề truyền thống, tìm chọn du nhập một số ngành nghề mới phù hợp.

 Tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng và đưa vào hoạt động cụm, điểm CN trên địa bàn, trong đó có cụm CN Đông Ái Tử, cụm công nghiệp làng nghề Ái Tử. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Khai thác lợi thế tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây, Quốc lộ 1A, đường Hùng Vương nối dài, khu vực Nam Cửa Việt, các trung tâm tiểu vùng và vùng ven biển để phát triển CN- TTCN, TM- DV. Đối với phát triển du lịch, huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó có khu dịch vụ du lịch Nhật Tân (xã Triệu Lăng), khu du lịch sinh thái hồ Ái Tử (xã Triệu Ái) thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan.

 Bên cạnh đó, huyện đầu tư phát triển mạnh dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông theo hướng đa dạng, hiện đại và tiện ích; mở rộng dịch vụ ngân hàng, điện, nước và các dịch vụ khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thì kết quả đạt được trên lĩnh vực CNTTCN, TM- DV vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

 Mới đây, tại hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Phong (khóa XIX) đã chỉ ra 5 hạn chế cơ bản đó là: Nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Huyện ủy; chưa đánh giá đúng thực trạng tình hình, tiềm năng, lợi thế của địa phương để tập trung chỉ đạo phát triển CN- TTCN, TMDV phù hợp. Quy mô CN- TTCN, TM- DV còn nhỏ lẻ, manh mún; trang thiết bị, công nghệ chậm được đổi mới. Trong sản xuấtkinh doanh thiếu sự liên doanh, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

 Thị trường đầu ra của một số sản phẩm còn khó khăn, thiếu ổn định. Việc khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống chưa nhiều; du nhập ngành nghề mới còn hạn chế. Xây dựng thương hiệu hàng hóa chưa mạnh; mẫu mã kiểu dáng một số sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm, điểm CN còn chậm, thiếu đồng bộ, nhất là cụm CN Đông Ái Tử. Hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển CN- TTCN, TM- DV có lúc chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.

 Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xử lý môi trường có lúc thiếu đồng bộ, chưa theo kịp phát triển. Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong việc đẩy mạnh phát triển CNTTCN, TM- DV, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nội dung đột phá để khai thác tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế- xã hội, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 Quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch về phát triển CN- TTCN, TM- DV gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của huyện đến năm 2020, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với thực tế. Tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng CN- TTCN, TM- DV, trong đó ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu các cụm, điểm CN, làng nghề theo quy hoạch để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất- kinh doanh. Chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng “sạch” để thu hút doanh nghiệp.

 Khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa vào khai thác cụm CN Đông Ái Tử để kịp thời triển khai các dự án đã được chấp thuận đầu tư. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở các điểm CN, làng nghề khác ở xã Triệu Sơn, xã Triệu Lăng, thị trấn Ái Tử... Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, quảng bá xúc tiến, kêu gọi đầu tư; đẩy cải cách hành chính tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Theo đó, thời gian tới, hàng năm trên địa bàn huyện ngành CN tăng 15- 16%, TM- DV 16- 17%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020, CN- xây dựng chiếm 33- 34%, TM- DV chiếm 41- 42%.

 Tuấn Việt

 

 
3304 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 774
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 774
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015724