Diễn ra sau 60 năm kể từ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành năm 1958 và hai nước sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020, chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ ghi dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Quan hệ hữu nghị không ngừng được củng cố
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Triều Tiên được thiết lập ngày 31/1/1950, do lãnh tụ của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành gây dựng, vun đắp.
Gần 70 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Triều Tiên không ngừng được củng cố, phát triển.
Từ những nỗ lực đặt nền móng của lãnh tụ hai dân tộc, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước thường xuyên được duy trì tốt đẹp thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước; đã trao đổi hơn 50 đoàn cấp cao (từ cấp Bộ trưởng trở lên).
Sau 7 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, từ ngày 8-12/7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên. Lễ đón vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam cùng đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã được nước bạn tổ chức trọng thể.
Ngày 8/7/1957, nhân dân Thủ đô Bình Nhưỡng nồng nhiệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam sang thăm hữu nghị CHDCND Triều Tiên từ ngày 8-12/7/1957. (Ảnh: TTXVN)
Ngay sau đó, cuộc míttinh của đông đảo nhân dân thủ đô Bình Nhưỡng đã diễn ra với sự tham dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành- lúc đó là Thủ tướng Triều Tiên.
Hơn một năm sau, Thủ tướng Kim Nhật Thành đến Hà Nội, thực hiện chuyến thăm Việt Nam từ ngày 28/11 đến 2/12/1958. Nhiều người dân Việt Nam đã đổ ra đường vẫy cờ hai nước và vỗ tay chào mừng ông.
Trong chuyến thăm 6 ngày tới Việt Nam này, Thủ tướng Kim Nhật Thành đã đến thăm Nhà máy Dệt Nam Định, Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hợp tác xã nông nghiệp thôn Quán La, xã Xuân La, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Hợp tác xã này sau lấy tên là Hợp tác xã Việt-Triều Hữu nghị.
Một điểm đáng nhớ trong chuyến thăm Việt Nam năm 1958 của nhà lãnh đạo Triều Tiên là Tuyên bố chung Triều Tiên-Việt Nam, cũng như Hiệp định mậu dịch giữa Việt Nam và Triều Tiên đã được ký kết.
Năm 1964, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành đã trở lại thăm Việt Nam.
Kể từ cuối những năm 2000, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Triều Tiên được tăng cường đáng kể, với những chuyến thăm Triều Tiên của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh năm 2008; các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong Nam năm 2001, Thủ tướng Nội các Triều Tiên Kim Yong Il năm 2007...
Một trong những điểm sáng trong quan hệ hai nước là Trường mẫu giáo Việt-Triều hữu nghị tại Hà Nội và Trường Mầm non Việt-Triều hữu nghị Kyongsang tại Bình Nhưỡng. Ngôi trường ở Hà Nội được Triều Tiên viện trợ xây dựng cơ bản và toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng học tập, đàn piano.
Trường mẫu giáo Việt Triều, quận Đống Đa (Hà Nội) - công trình do CHDCND Triều Tiên xây tặng Việt Nam năm 1978 với quy mô ban đầu 4 lớp học và 120 cháu, đến nay đã không ngừng nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)
Việt Nam cũng đã viện trợ cho Triều Tiên 100 tấn gạo (năm 1995), 13.000 tấn gạo (năm 1997). Giai đoạn 2000-2012, Việt Nam hỗ trợ 22.700 tấn gạo, 5 tấn cao su nguyên liệu, 50.000 USD (viện trợ khẩn cấp); 70.000 USD (năm 2016 viện trợ lũ lụt).
Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Triều Tiên đã giúp Việt Nam đào tạo hàng trăm sinh viên. Ủy ban Giáo dục Triều Tiên và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang thúc đẩy ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Từ 2013, hai năm một lần, Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân tháng 4 tổ chức tại Bình Nhưỡng.
Ngay sau khi tới Hà Nội dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai, chiều 26/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thăm Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội.
Trao đổi với các nhân viên tại đây, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh Đại sứ quán cần tích cực góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai Đảng và hai Nhà nước.
Tăng cường giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực
Những năm qua, hai nước trao đổi chính sách luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Triều Tiên; Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam-Triều Tiên.
Nhiều Hiệp định quan trọng đã được ký kết như: Hiệp định hợp tác Văn hóa; Hiệp định hợp tác Khoa học kỹ thuật; Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên; Hiệp định Thương mại và hàng hải; Hiệp định Hỗ tương y tế; Hiệp định hợp tác Vận tải hàng không dân dụng.
Năm 2002, hai bên đã ký kết Hiệp định vận tải biển; Hiệp định thương mại; Hiệp định tương trợ tư pháp; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Tháng 11/2018, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho nhấn mạnh lập trường nhất quán của Đảng, Chính phủ Triều Tiên là coi trọng và mong muốn tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam; nhất trí phối hợp xem xét các biện pháp thích hợp để củng cố và phát triển quan hệ Triều Tiên-Việt Nam phù hợp với tình hình mới.
Trong chuyến thăm, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, Diễn đàn khu vực ARF..., tăng cường trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Viện Khoa học nông nghiệp Triều Tiên, chiều 30/10/2014, tại Hà Nội. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Mới đây nhất, từ ngày 12-14/2/2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Triều Tiên, khẳng định trên cơ sở thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam coi trọng và mong muốn duy trì, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng, Chính phủ, nhân dân Triều Tiên.
Song song với quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên luôn được hai nước thúc đẩy mặc dù vẫn còn khá khiêm tốn. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 8 triệu USD; năm 2015 đạt 11,6 triệu USD.
Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang Tiều Tiên 2,99 triệu USD; năm 2017 xuất khẩu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD (chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo); 9 tháng đầu năm 2018 xuất sang Triều Tiên 497.000 USD.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích, quy định luật pháp và cam kết quốc tế của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực./.
Người dân Thủ đô chào đón của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)