Dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ từ thị trường trái phiếu 

Trái phiếu chính phủ là một khoản cho vay đối với Chính phủ Mỹ và thường được xem là một sự đặt cược an toàn đối với giới đầu tư vì khoản vay này hầu như không có nguy cơ không được hoàn trả.
Dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ từ thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu đang phát đi một tín hiệu mang tính cảnh báo vốn đã đoán đúng gần như mọi đợt suy thoái trong 60 năm qua: đó là khả năng đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.

Một đường cong lợi suất đảo ngược thường được xem là một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang lo ngại về tương lai gần hơn là dài hạn, khiến lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn tăng lên cao hơn lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn dài.

Dù hiện tại đường cong lợi suất vẫn chưa đảo ngược, nhưng hiện tượng này sắp diễn ra. Và đây không phải là một điều đáng ngạc nhiên, khi xét đến tác động của căng thẳng Nga-Ukraine, và những hệ quả về kinh tế của nó, đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trái phiếu chính phủ là một khoản cho vay đối với Chính phủ Mỹ và thường được xem là một sự đặt cược an toàn đối với giới đầu tư vì khoản vay này hầu như không có nguy cơ không được hoàn trả.

[Bài toán khó với kinh tế Mỹ khi lạm phát lên mức cao nhất 40 năm]

Trái phiếu chính phủ đã dành được sự ưu ái của giới đầu tư trong những tuần gần đây, trước tình hình bất ổn địa chính trị và các điều kiện tài chính bị thắt chặt, khu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần trước cho biết đang cân nhắc sáu đợt tăng lãi suất trong năm nay.

Điều này làm giảm nhu cầu của giới đầu tư đối với chứng khoán cũng như các loại tài sản rủi ro khác, và chuyển sang các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu chính phủ.

Nhưng khi nhiều người đổ xô mua trái phiếu, điều này lại khiến lợi suất giảm xuống, cuối cùng khiến trái phiếu chính phủ trở nên bớt hấp dẫn hơn.

Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn bắt đầu tìm đến các loại tài sản như Bitcoin và tiền mặt, vốn thường ít ổn định hơn so với trái phiếu.

Một trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thường có lãi suất cao hơn các trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn, vì tiền của nhà đầu tư được cam kết lâu dài hơn.

Các loại trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn như hai năm hay ba năm thường có lãi suất thấp hơn vì các rủi ro kèm theo dễ đoán hơn so với thời gian dài.

Nhưng khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm thấp hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm, điều này cho thấy giới đầu tư đang có triển vọng bi quan và không muốn cam kết đồng tiền của mình.

Và tình hình lợi suất đang diễn biến theo hướng đó: sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và hai năm hiện chỉ còn khoảng 0,2%, so với khoảng 1,5% thời điểm một năm trước.

Một sự đảo ngược đường cong lợi suất đã từng diễn ra trước mọi đợt suy thoái kể từ năm 1995, theo một nghiêm cứu của Fed chi nhánh San Francisco.

Tuy nhiên, đường cong lợi suất đảo ngược không có nghĩa là chứng khoán sắp sụp đổ. Dù sự đảo ngược này thường báo hiệu một đợt suy thoái sẽ xảy ra trong vòng 12 tháng sau đó, nhưng đôi khi là vài năm.

Đường cong lợi suất đã từng đảo ngược vào năm 2005, nhưng phải đến năm 2007 cuộc Đại Suy thoái mới diễn ra. Lần đảo ngược gần đây nhất là vào năm 2019 đã làm dấy lên những lo ngại về một đợt suy thoái.

Sau đó, đợt suy thoái này đã thực sự diễn ra, nhưng là do đại dịch COVID-19.

Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn đang đưa ra cảnh báo.

Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's Analytics, dự đoán có xác suất ít nhất là hơn 30% nền kinh tế Mỹ sẽ xảy ra một đợt suy thoái trong 12 tháng tới.

Ông cho rằng Fed càng mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này càng có nhiều khả năng rơi vào suy thoái./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)

 

243 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 997
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 997
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87185874