Đảo chính ở Guinea, châu Phi thêm "điểm nóng"? 

(ĐCSVN) – Nhiều nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới đã lên án cuộc đảo chính ở Guinea khiến xuất hiện thông tin rằng Tổng thống cầm quyền lâu năm ở quốc gia Tây Phi này, ông Alpha Conde, 83 tuổi bị bắt giữ.
Đảo chính ở Guinea, châu Phi thêm "điểm nóng"?

Đảo chính ở Guinea, Tổng thống Alpha Conde bị bắt giữ?

Các binh sĩ Guinea lái xe qua thủ đô Conakry vào ngày 5/9 khi tiếng súng lớn vang lên gần dinh Tổng thống. (Ảnh: Cellou Binani / AFP / Getty Images )

Ngày 5/9, thủ đô Conakry của Guinea chấn động bởi vụ đảo chính do lực lượng tinh nhuệ của quân đội tiến hành, với thông báo được đưa ra là lực lượng này đã giành quyền kiểm soát kênh truyền hình nhà nước và thông báo lật đổ Tổng thống Alpha Conde. Phát biểu trên truyền hình nhà nước, người đứng đầu đơn vị quân đội tinh nhuệ Guinea Mamady Doumbouya cho biết lực lượng này đã giải tán chính phủ và các tổ chức ở Guinea. Ông Doumbouya cũng thông báo ý định viết lại Hiến pháp, đồng thời đóng cửa biên giới trong một tuần. Người đứng đầu đơn vị lực lượng đặc biệt trong quân đội nhấn mạnh đang hành động vì lợi ích tốt nhất cho đất nước bởi Guinea chưa đạt đủ tiến bộ kinh tế kể từ khi giành độc lập khỏi Pháp từ năm 1958.

Trong một đoạn băng phát sóng trên đài truyền hình nhà nước Guinea, các binh sĩ tiến hành cuộc nổi dậy ở thủ đô Conakry ngày 5/9 tuyên bố rằng họ đã giải thể hiến pháp, giải tán chính phủ trong một cuộc đảo chính. Trong một thông báo bằng video khác, lực lượng trên khẳng định đã bắt giữ Tổng thống Alpha Conde và giải tán chính phủ.

“Chúng tôi đang nắm giữ vận mệnh của chúng tôi trong chính đôi tay mình” – ông Doumbouya nói, đồng thời chỉ trích và giành những lời lẽ tỏ rõ sự “bất tín nhiệm” dành cho vị Tổng thống 83 tuổi đang nắm quyền điều hành đất nước. Người đứng đầu đơn vị quân đội tinh nhuệ Guinea tuyên bố, đất nước Guinea không còn giao phó nền chính trị cho một cá nhân mà giao phó cho tất cả nhân dân. Theo ông Doumbouya thì nhiệm vụ của quân đội là cứu lấy đất nước và sau 72 năm, đã đến lúc người dân Guinea cần thức tỉnh.

Cuối ngày 5/9, lực lượng tiến hành đảo chính tuyên bố áp đặt một lệnh giới nghiêm trên toàn quốc cho tới khi có thông báo mới. Lực lượng này cũng thông báo kế hoạch triệu tập phiên họp các thành viên trong Nội các của ông Conde vào ngày hôm nay (6/9). “Bất kỳ một lời từ chối tham dự nào cũng được coi là một hành vi nổi loạn” – tuyên bố từ lực lượng đảo chính nêu rõ.

Cũng theo tuyên bố của lực lượng đảo chính thì các cơ quan điều hành và các vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ sẽ được quân đội tiếp quản. Tuy nhiên, hiện thông tin ai đang nắm quyền ở Guinea vẫn còn chưa rõ, sau khi Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố vụ tấn công nhằm vào dinh Tổng thống đã bị dập tắt. Hiện các lực lượng an ninh Guinea đang nỗ lực khôi phục trật tự và hòa bình tại quốc gia này.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ngày 5/9, người đứng đầu đơn vị quân đội tinh nhuệ Guinea không đề cập tới nơi ở của Tổng thống Conde và cũng không ai nắm được thông tin nhà lãnh đạo 83 tuổi này đang ở đâu sau vụ đảo chính. Những bức ảnh và các đoạn video phát đi trên các phương tiện truyền thông cho thấy ông Conde đang bị giam cầm bởi các binh sỹ. Tuy nhiên, tính xác thực của các hình ảnh này vẫn chưa được kiểm chứng.

Cộng đồng thế giới lên án vụ đảo chính…

 Hình ảnh phát đi cho thấy Tổng thống Alphe Conde đang bị giam giữ bởi binh lính. Tuy nhiên, đây chỉ là hình ảnh chưa được kiểm chứng. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Ngày 5/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án cuộc đảo chính ở Guinea và kêu gọi lực lượng tiến hành cuộc nổi dậy trao trả tự do cho Tổng thống Alpha Conde.

“Tôi đang theo sát tình hình ở Guinea. Tôi cực lực lên án các hành vi lật đổ chính phủ bằng vũ lực, đồng thời kêu gọi trao trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Alpha Conde” – thông điệp của người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ.

Cùng ngày, Chính phủ Nigeria cũng lên án vụ đảo chính ở Guinea và tỏ rõ quan điểm phản đối các hành vi vi hiến nhằm lật đổ chính quyền, từ đó kêu gọi lực lượng đảo chính khôi phục trật tự Hiến pháp ngay lập tức, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân ở quốc gia Tây Phi một cách không chậm trễ.

Tuyên bố của Chính phủ Nigeria bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ đảo chính xảy ra ở Guinea ngày 5/9, coi đây là hành vi rõ ràng vi phạm nguyên tắc của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) về dân chủ và quản trị.

Cũng trong ngày 5/9, Liên minh châu Phi (AU) đã ra tuyên bố lên án vụ đảo chính ở Guinea và kêu gọi ngay lập tức trả tự do cho Tổng thống Alpha Conde.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vừa ra tuyên bố lên án vụ đảo chính ở thủ đô Conakry của Guinea. Tuyên bố nhấn mạnh, các hành vi bạo lực và vi phạm Hiến pháp sẽ chỉ làm lu mờ triển vọng của đất nước Guinea nhằm hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh thượng.

“Mỹ lên án các sự kiện ngày hôm nay (5/9) ở Conakry… Những hành vi này sẽ chỉ bó buộc năng lực của Mỹ cùng các đối tác quốc tế khác của Guinea nhằm hỗ trợ quốc gia này trên con đường thống nhất dân tộc và mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Guinea” – tuyên bố viết.

…có nguy cơ châm ngòi cho một làn sóng bất ổn mới ở châu Phi

Quân đảo chính chiếm trụ sở Đài phát thanh - truyền hình Mali ở Bamako ngày 22/3 (Ảnh: Reuters) 

Guinea có lịch sử bất ổn chính trị lâu dài kể từ khi độc lập. Năm 1984, Lansana Conte nắm quyền điều hành đất nước sau khi nhà lãnh đạo đầu tiên sau độc lập qua đời. Ông nắm quyền trong 1/4 thế kỷ cho đến khi qua đời năm 2009.

Cuộc đảo chính xảy ra ngay sau đó do Đại úy Moussa "Dadis" Camara dẫn đầu. Ông này sống lưu vong sau khi thoát khỏi một vụ ám sát và một chính phủ chuyển tiếp sau đó đã tổ chức cuộc bầu cử năm 2010 với chiến thắng cho ông Conde. 

Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, Tổng thống Alpha Conde đã “suýt” bị ám sát sau khi các tay súng bao vây nhà ông trong đêm, dùng tên lửa tấn công phòng ngủ của ông và khiến một vệ sĩ thiệt mạng.

Bất ổn quay trở lại Guinea chỉ chưa đầy một năm sau khi Tòa án Hiến pháp Guinea tuyên bố ông Conde tái đắc cử nhiệm kỳ 3 trong cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái. Tháng 3/2020, Guinea đã bỏ phiếu về một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi nhằm thông qua những thay đổi trong Hiến pháp, cho phép Tổng thống tại vị thêm hai nhiệm kỳ. Phe đối lập đã tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý và hơn 40 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo lực trước cuộc bỏ phiếu.

Trong thời gian nắm quyền, ông Conde đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, song chưa thể đẩy lùi tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói lan rộng. Những yếu kém trong điều hành đã làm gia tăng sự phẫn nộ từ phía người dân, với phần lớn những người trẻ tuổi ở Guinea cho biết họ không tìm thấy tương lai ở chính đất nước mình.

Trong khi đó, vụ đảo chính ở Guinea diễn ra vào thời điểm những vết nứt chính trị đang bị khoét sâu ở khu vực Tây Phi, đã làm dấy lên những lo ngại về một làn sóng bất ổn mới trong khu vực. Tháng 5/2021, một vụ đảo chính quân sự đã xảy ra ở Mali đưa quân đội lên nắm quyền. Điều đáng nói đây là vụ đảo chính thứ 2 xảy ra ở Mali trong vòng 1 năm và là cuộc đảo chính thứ 3 xảy ra trong vòng 1 thập kỷ.

Đảo chính quân sự diễn ra tại các quốc gia được coi là nghèo và bất ổn nhất ở châu Phi, khiến dư luận quốc tế thêm quan ngại cho an ninh tại khu vực./.

 
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
223 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1495
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1495
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168201