|
Dù đang là mùa hè, nước thải sinh hoạt của người dân vẫn ứ đọng trên mặt đường Trần Phú, Đông Hà
|
Dự án công trình vỉa hè đường Trần Phú đang được Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên thi công có chiều dài 766 m kéo dài từ cầu Vượt đến ga Đông Hà. Công trình vỉa hè này có bề rộng mỗi bên từ 1 - 4 m với tổng mức đầu tư trên 2 tỉ đồng. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Đông Hà làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2018. Dù mục đích của việc xây dựng vỉa hè đường Trần Phú nhằm hoàn thiện giao thông có sẵn theo đúng tiêu chuẩn đường thiết kế đô thị, đồng bộ với kết cấu hạ tầng chung toàn thành phố, góp phần vào mục tiêu đưa Đông Hà trở thành đô thị loại 2 vào năm 2020, nhưng ngay từ những ngày đầu thực hiện dự án đã không nhận được sự đồng thuận của người dân ở đây.
Nguyên nhân vì trong vùng thực hiện dự án có đoạn từ cầu Vượt đến ngã ba đường Trần Phú - Tôn Thất Thuyết hiện vẫn chưa có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt. Ông Hồ Văn Thành, số nhà 6 đường Trần Phú cho hay: “Từ trước tới nay gần 20 hộ dân sống trên đoạn đường này phải chịu cảnh nước thải sinh hoạt của hộ gia đình tràn ra mặt đường, gây mất vệ sinh môi trường và bốc mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày. Tôi không hiểu vì sao trên cùng một đoạn đường Trần Phú nhưng chỉ có đoạn từ ga Đông Hà đến ngã ba đường Tôn Thất Thuyết thì được thành phố lắp đặt hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt còn đoạn này thì không có”.
Nhu cầu về cống thoát nước đã được người dân ở đây kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết, nay thành phố lại triển khai xây dựng vỉa hè. Việc làm này đã không giải quyết được nguyện vọng chính đáng của người dân mà còn nảy sinh thêm mâu thuẫn. Theo ông Dương Đức Thông, số nhà 8 đường Trần Phú, hàng ngày các hộ dân phải sống trong cảnh mất vệ sinh vì nước đọng ngay trước nhà. Mùa này nắng nóng còn đỡ chứ mùa mưa thì nước không thoát được gây ngập lụt cả đoạn đường này. Dân cần cống thoát nước nhưng thành phố lại đầu tư xây dựng vỉa hè.
Trong khi đó vỉa hè trên đoạn đường này thì hầu như gia đình nào làm nhà xong cũng đã tự làm vỉa hè đoạn qua nhà mình bằng bê tông hoặc lát gạch rồi. Bây giờ đơn vị thi công đào bới vỉa hè dân tự làm lên để lát lại vỉa hè cùng một loại gạch cho đồng bộ nhưng thử hỏi sau khi vỉa hè xây dựng xong, nước thải sinh hoạt của người dân lại chảy tràn ra, ứ đọng ở mặt đường thì đoạn đường này liệu có sạch, đẹp như mong muốn. Vì vậy, người dân kiến nghị thành phố cho lắp đặt hệ thống cống thoát nước trên đoạn đường này trước khi bó vỉa.
Nếu ngân sách thành phố không đủ thực hiện, người dân sẵn sàng đối ứng cùng thành phố xây dựng hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt. Đem kiến nghị của người dân khu vực này đến trao đổi với Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Đông Hà, chúng tôi được cán bộ ở đây cho biết, đơn vị chỉ được thành phố giao thực hiện dự án vỉa hè đường Trần Phú. Quy mô thực hiện dự án gồm có các hạng mục là: kết cấu hè phố (vỉa hè lát gạch terrazo, lớp vữa xi măng, lớp bê tông xi măng, đắp đất cấp 3 đầm chặt); bó vỉa bằng bê tông xi măng; xây dựng 138 hố trồng cây xanh và 34 bồn hoa; sửa chữa các giếng thăm có độ cao thấp hơn độ cao vỉa hè thiết kế hoặc nắp đập giếng thăm, tấm đan bị gãy vỡ, hư hỏng.
Còn hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt cho người dân không có trong hạng mục thi công của dự án nên đơn vị không thực hiện. Không có trong hạng mục thi công dự án, đương nhiên hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt trên đoạn đường này không được xây dựng. Điều này dẫn đến một bất cập là khi dự án xây dựng vỉa hè trên đoạn đường Trần Phú hoàn thành, sau này một dự án khác muốn thực hiện hệ thống thoát nước thải sinh hoạt cho người dân ở khu vực này thì đơn vị thi công phải đào bới, tháo dở vỉa hè lên để lắp đặt đường ống. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân mà còn lãng phí không ít vốn đầu tư.
Có thể thấy mục đích xây dựng vỉa hè đường Trần Phú nhằm đồng bộ kết cấu hạ tầng thành phố. Dù không phải là một dự án lớn nhưng trong quá trình thực hiện, cơ quan chuyên môn của thành phố đã thiếu sự phối hợp, khảo sát thực trạng trước khi thiết kế, xây dựng dự án. Điều này dẫn đến tình trạng đầu tư các hạng mục trong một công trình thiếu đồng bộ, không đáp ứng được nguyện vọng của người dân và chắc chắn mục tiêu xây dựng tuyến phố văn minh, sạch đẹp trên đoạn đường này cũng khó đạt được.
Lâm Thanh
|