Triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân Iran
|
Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran Ali Bagheri Kani. (Nguồn: Saw Beirut) |
Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Kani - người đồng thời giữ vai trò là Thứ trưởng Ngoại giao hạt nhân của Iran nêu rõ: “Chúng tôi đã tiến hành đối thoại nghiêm túc và mang tính xây dựng với Đặc phái viên EU Enrique Mora về những yếu tố quan trọng giúp bảo đảm thành công cho các vòng đàm phán… Chúng tôi cũng đã nhất trí sẽ khởi động đàm phán trước cuối tháng 11. Thời điểm cụ thể sẽ được công bố vào tuần tới”.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Iran, vào đầu tháng này, Đặc phái viên của EU đã tới thủ đô Tehran và có các cuộc đối thoại được đánh giá là “tốt đẹp, mang tính xây dựng” với ông Kani.
Trong tuyên bố liên quan tới quyết định của Iran về việc sẽ quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân vào tháng 11 tới, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian, ngày 27/10 đã hối thúc Mỹ thể hiện sự nghiêm túc trong việc quay trở lại thực thi thỏa thuận hạt nhân.
Phát biểu trong cuộc họp báo tối 27/10, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran đánh giá những tuyên bố mới đây do các quan chức Mỹ đưa ra đã cho thấy chính quyền Tổng thống J.Biden đặt niềm tin vào đàm phán. Nhân dịp này, ông Abdollahian cũng một lần nữa đề nghị Mỹ gỡ bỏ lệnh phong tỏa một phần tài sản của Iran tại các ngân hàng nước ngoài trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo, coi đây là hành động thể hiện thiện chí từ phía Washington.
“Cá nhân tôi cho rằng Tổng thống J.Biden thực sự có thiện chí. Tuy nhiên, ông ấy phải thể hiện để thuyết phục chúng tôi tin rằng Mỹ đang thực sự nghiêm túc trong việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt…” – ông Abdollahian nói.
Cơ hội để các bên hài hòa lợi ích?
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử, hay còn được biết đến với tên gọi Bản kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký năm 2015 đề cập tới việc Iran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy các lệnh nới lỏng trừng phạt về kinh tế. Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và các cường quốc đã nhen nhóm trở lại sau sự kiện cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Tehran.
|
Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở phía Nam thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tháng 1/2021, ông J.Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ với cam kết coi việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Trong giai đoạn từ tháng 4-6/2021, Iran và các nước phương Tây đã sáu lần đối thoại ở thủ đô Vienna (Áo) nhằm tìm kiếm cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị gián đoạn kể từ khi chính trị gia theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi được bầu làm Tổng thống Iran hồi tháng 6.
Trong phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi trở thành Tổng thống Iran, ông Raisi đã đã bác bỏ mục tiêu mở rộng thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống J.Biden trong trường hợp các nhà đàm phán có thể cứu vãn thỏa thuận cũ. Bên cạnh đó, ông Raisi cũng để ngỏ khả năng sẽ nới rộng yêu cầu giảm trừng phạt để đổi lại việc Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận. Những tuyên bố cứng rắn của tân lãnh đạo Iran đã làm giảm bầu không khí lạc quan và khiến triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân thêm trắc trở.
Trong các cuộc đàm phán gần đây, chính phủ các nước phương Tây đã đề nghị Iran nối lại các vòng đối thoại ở Vienna. Tuy nhiên, Iran lại phản ứng thận trọng rằng, chính quyền của ông Raisi cần thời gian để tìm kiếm phương thức tiếp cận trong đàm phán. Hiện nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn của Iran được cho là đang chịu sức ép từ một số nước (gồm cả Nga) để quay trở lại đàm phán, cùng với việc một đại diện ngoại giao của Nga đã tỏ rõ thất vọng trước sự thay đổi lập trường của Tehran. Trong khi đó, một số cường quốc phương Tây cũng đã cảnh báo thời gian “sắp cạn” khi chương trình hạt nhân của Tehran đã vượt quá giới hạn mà thỏa thuận đặt ra.
Trong tuyên bố đưa ra hồi đầu tuần, Đặc phái viên của Mỹ về Iran Robert Malley đánh giá các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân đang ở "giai đoạn quan trọng" và Iran cũng không còn nhiều lý do thuyết phục để né tránh đàm phán. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ned Price cũng nêu rõ, việc khẩn trương quay trở lại các cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna (Áo) về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran là cần thiết vì tiến trình này không thể kéo dài vô hạn.
Theo nhận định từ các nhà phân tích, các vòng đàm phán sắp tới sẽ là cơ hội để cả Mỹ và Iran thể hiện rõ quan điểm trong việc nối lại thỏa thuận. Tuy nhiên, quan điểm đó sẽ phải hài hòa lợi ích giữa các bên. Đối với Iran sự hài hòa nằm ở chỗ làm thế nào để có thể giữ vững yêu sách, trong khi nhận thức rõ ràng về thái độ “đang mất dần kiên nhẫn” từ phía Mỹ cũng như những lợi ích mà nước này nhận lại khi tuân thủ thỏa thuận sẽ giảm đi chứ không còn nguyên vẹn như trước. Còn mục tiêu đặt ra đối với Mỹ không chỉ là làm thế nào để khép lại vấn đề hạt nhân Iran theo cách mà ông J.Biden mong muốn, mà xa hơn đó là những toan tính giúp bảo đảm vị thế của Mỹ trước cục diện Trung Đông đang thay đổi./.
T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)