Thời gian triển khai đợt cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là lúc các trường mầm non công lập cũng như dân lập trên địa bàn tỉnh vừa kết thúc năm học cũ để bước vào thời gian học hè với sĩ số học sinh luôn duy trì hơn 95%. Vì thế, đây cũng là thời điểm để các trường mầm non bắt đầu triển khai công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Không chỉ hưởng ứng đợt phát động cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà trong suốt năm học, các trường đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những nội dung cần quan tâm thực hiện trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường mầm non như an toàn thực phẩm; phòng nhiễm bẩn thực phẩm như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nguồn nước phải đảm bảo sạch, xử lý chất thải triệt để không để trở thành nguồn gây bệnh, vệ sinh dụng cụ chế biến và dụng cụ ăn uống; kiểm soát quá trình chế biến; khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên cấp dưỡng; cung cấp kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho cấp dưỡng, cha mẹ học sinh, giáo viên và các cháu học sinh trong trường mầm non…
Các trường đều xây dựng khẩu phần ăn hàng ngày, hàng tuần, theo mùa, cân đối dinh dưỡng hợp lý cho từng bữa ăn phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh và yêu cầu phát triển thể chất của trẻ. Nguồn cung cấp thực phẩm phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với thực phẩm nấu chín thường xuyên lưu mẫu thức ăn trong tủ lạnh 24 giờ. Trong quá trình sử dụng thực phẩm nếu chất lượng thực phẩm không đảm bảo thì có biện pháp xử lý kịp thời không để tình trạng dùng thực phẩm kém chất lượng trước khi chế biến cho trẻ. Các trường cũng đã đầu tư mua sắm trang thiết bị đồ dùng phục vụ cho học sinh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các trường cũng đưa nội dung vệ sinh an toàn thực phẩm vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ phù hợp theo từng độ tuổi để giám sát công tác vệ sinh nói chung, vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng theo từng chủ đề cụ thể vào các giờ hoạt động chung nhằm giúp trẻ tích cực tham gia giữ vệ sinh đảm bảo an toàn thực phẩm như lao động tự phục vụ, giữ vệ sinh môi trường, rèn thói quen vệ sinh cá nhân và các hành vi văn minh nơi công cộng, tạo môi trường thân thiện trong trường lớp mầm non…
Đồng thời, thực hiện tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm đến giáo viên và cha mẹ học sinh. Hàng năm, các trường tổ chức các hội thi về môi trường và vệ sinh cá nhân, gia đình và dinh dưỡng trẻ thơ… nhằm tuyên truyền kiến thức cho toàn thể cán bộ giáo viên và phụ huynh thấy được tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với đời sống con người. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng thực phẩm đạt chất lượng tốt, sử dụng cân đối các chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ. Đây là điều kiện quan trọng để các trường nâng tỷ lệ trẻ kênh A, giảm trẻ kênh B và C.
Để góp phần cho tiêu chí này, hiện các trường học đang tập trung thực hiện theo đúng quy trình bếp một chiều, tức là đi từ khâu sơ chế đến khâu chế biến, nấu nướng, sang chia khẩu phần ăn và chuyển về cho các lớp. Bà Đặng Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen, phường 1, thành phố Đông Hà cho biết: “Ngoài việc xây dựng chế độ ăn theo tháp đồ dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cân đối cho trẻ thì Ban Giám hiệu nhà trường tiến hành kiểm tra hàng ngày, định kỳ, có kế hoạch từ trước hoặc đột xuất các hoạt động tại bếp tập thể của trường, từ các khâu mua thực phẩm, quy trình chế biến, bảo quản đến các đồ dùng phục vụ ăn uống của trẻ đều phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh ngộ độc. Đồng thời, tổ chức hoạt động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức”. Thực tế đã có nhiều trường hợp mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở bếp ăn tập thể tại các trường tiểu học, trường mầm non ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng người bị ngộ độc lên đến con số hàng trăm cháu để lại hậu quả khá trầm trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Do đó, các trường học mầm non trên địa bàn tỉnh đã lấy chủ đề “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể” làm một trong những điểm nhấn quan trọng của phong trào thi đua.
Đồng thời, thường xuyên, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người quản lý trong trường học cũng như các cô nuôi trực tiếp phụ trách các bếp ăn phục vụ trẻ. Mặt khác, thường xuyên lấy mẫu kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp mất vệ sinh an toàn thực phẩm để kịp thời chấn chỉnh.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Chi cục rất chú trọng kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các trường học bán trú, đặc biệt là trường mầm non vì đây là đối tượng nhỏ tuổi nếu bị ngộ độc thực phẩm thì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và thể chất của các cháu về lâu dài. Trong đợt cao điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm năm nay, chi cục đã thực hiện kiểm tra nhiều bếp ăn tập thể trong các trường học trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy các trường đã thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Mục đích của đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường mầm non là giúp trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khơi dậy ở trẻ tính ham hiểu biết… Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú đã và đang được các trường mầm non trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện; góp phần đảm bảo mục tiêu cho học sinh có sức khỏe tốt, phát triển đồng đều cả về trí lực và thể lực.
Võ Thái Hòa
|