Mục tiêu tổng quát của Chương trình là đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy. Giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của các cấp, các ngành và ý thức tự giác, chủ động phòng, chống các loại tội phạm và ma túy, vi phạm an toàn cháy, nổ, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Bảo đảm an ninh chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể, sẽ tập trung giải quyết tình hình vi phạm hành lang an toàn giao thông ở một số tuyến đường trọng điểm; tình hình trật tự ở một số nhà ga trọng điểm, đoàn tàu trọng điểm, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt, làm giảm tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Hằng năm giảm từ 05% - 10% so với năm trước về số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô.
Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Xây dựng hoàn chỉnh mạng thông tin vô tuyến, hữu tuyến với đường điện thoại nội bộ của Bộ Công an, kết nối Cục Cảnh sát giao thông với tất cả các Phòng Cảnh sát giao thông địa phương, các Trạm, Đội Cảnh sát giao thông trên quốc lộ và Cảnh sát giao thông cấp huyện trong toàn quốc.
Xây dựng và hiện đại hóa 03 trung tâm thông tin chỉ huy cấp bộ và 15 trung tâm cấp tỉnh của lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy, trọng tâm là các hệ thống cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, về tai nạn giao thông đường bộ và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) phục vụ chỉ huy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đầu tư phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tiên tiến, hiện đại; trang bị các trung tâm thông tin chỉ huy điều hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trọng điểm về kinh tế - xã hội, các khu kinh tế, các thị xã, quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh trọng điểm về phòng cháy, chữa cháy; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mới thành lập.
Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 20%; 75% phạm nhân có đủ thời gian, sức khỏe, khả năng được học nghề trong trại giam; tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho 100% người chấp hành xong án phạt tù.
Hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ của cả nước tăng từ 05% - 10% so với năm trước; phấn đấu triệt xóa từ 05% - 10% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy so với năm trước; phấn đấu đến năm 2020 không còn “điểm nóng” về ma túy trên toàn quốc; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy; phát hiện, triệt phá 100% diện tích cây thuốc phiện và cây cần sa trồng trái phép; không để tồn tại hoạt động sản xuất trái phép chất ma túy./.
Mạnh Hùng