Trợ giúp pháp lý (TGPL) là chính sách tiến bộ, trách nhiệm của Nhà nước để đảm bảo cho mọi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội, được tiếp cận các trợ giúp cần thiết về pháp lý, bảo đảm quyền con người và quyền công dân.
Qua gần 10 năm thực hiện Luật TGPL, hệ thống TGPL của Nhà nước đã phát triển tương đối mạnh mẽ, với việc thành lập 63 Trung tâm TGPL, 202 chi nhánh và 4.345 câu lạc bộ.
Mặc dù Luật TGPL năm 2006 có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động TGPL nhưng trong thực tế, số lượng các tổ chức đăng ký tham gia TGPL còn rất hạn chế. Hiện các tổ chức, cá nhân tham gia TGPL chỉ chiếm 3,3% tổ chức đang thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư.
Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). (Ảnh: TH).
Theo GS.Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Luật TGPL chưa thực sự huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện TGPL và hỗ trợ pháp triển hoạt động TGPL.
Đánh giá dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) hiện nay được chuẩn bị khá công phu, điều chỉnh tương đối toàn diện các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động TGPL, tuy nhiên, GS.Lê Minh Tâm cho rằng, cần quan tâm đến chính sách xã hội hóa được quy định như thế nào, cơ chế hỗ trợ kinh phí ra sao để thu hút đội ngũ cung cấp dịch vụ TGPL ngoài nhà nước.
Đồng quan điểm trên, ông Đặng Đình Luyến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chuyên gia nhóm tư vấn của GIG đề nghị tăng cường xã hội hóa TGPL, huy động mọi cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia TGPL và các nguồn lực để từng bước xóa bỏ cơ chế xin - cho trong TGPL.
So với Luật TGPL năm 2006, dự thảo Luật đã quy định các tổ chức đăng ký tham gia thực hiện TGPL bằng nguồn lực của họ và tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc TGPL.
Bà Phan Thị Thu Hà (Cục TGPL – Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, đây là một cơ chế huy động khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia thực hiện TGPL tích cực và trách nhiệm hơn.
Đồng thời, cơ chế ký hợp đồng cũng nhằm tạo ra sự linh hoạt, tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu TGPL, tránh việc bỏ sót người được TGPL khi họ cần được TGPL do không có đủ nguồn lực thực hiện, tránh việc ban hành pháp luật nhưng lại không đủ các biện pháp bảo đảm quyền được TGPL cho người dân. Điều này góp phần khắc phục tình trạng “đánh trống ghi tên” trong đăng ký TGPL, ảnh hưởng đến chất lượng TGPL.
Bà Trịnh Thị Lê Trâm – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS kiến nghị, dự thảo Luật nên quy định theo hướng thông thoáng hơn để các tổ chức có nguyện vọng và đủ điều kiện theo Luật TGPL tiến hành ký hợp đồng thực hiện TGPL mà không cần “chờ” Trung tâm TGPL Nhà nước…
Nhóm tư vấn của USAID/GIG cũng khuyến nghị dự án Luật cần quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong tăng cường thanh kiểm tra, giám sát để bảo đảm pháp luật về TGPL được thi hành nghiêm và thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả TGPL, bảo đảm nguồn kinh phí không bị thất thoát, lãng phí…/.
Thu Hằng