Hội nghị được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và Bộ Công an nhằm triển khai Kết luận số 32-KL/TW ngày 5/7/2018 của Bộ Chính trị về tình hình an ninh trật tự nổi lên thời gian gần đây và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là chủ trương lớn được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng và đang đặt ra yêu cầu ngày càng gắt gao hơn trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại tự do và các điều ước quốc tế quan trọng khác. Thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, những năm qua, Bộ Tư pháp đã kịp thời tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng và ban hành nhiều đạo luật rường cột của đất nước. Trong đó, phải kể đến Hiến pháp năm 2013 và công tác triển khai thi hành Hiến pháp đã góp phần quan trọng vào quản lý xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Hội nghị tập huấn “Một số vấn đề về đảm bảo an ninh chính trị trong quá trình xây dựng và
hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay”. Ảnh: TH.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua cũng gặp phải những thách thức, khó khăn nhất định như: các thế lực thù địch, chống phá tìm cách can thiệp vào quá trình xây dựng thể chế; công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật còn hạn chế; nhận thức, bản lĩnh chính trị của một số cán bộ làm công tác xây dựng, nghiên cứu pháp luật chưa tốt. Ở trong nước thì vấn đề an ninh phi truyền thống như tự diễn biến, tự chuyển hóa, các hoạt động của các thế lực chống đối ngày càng phức tạp, có những ảnh hưởng nhất định đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự….
Trước bối cảnh này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 32-KL/TW về tình hình an ninh trật tự nổi lên thời gian gần đây và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trong đó nêu rõ yêu cầu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải luôn kiên định lập trường tư tưởng, mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích của các tầng lớp nhân dân, phải chú trọng khâu đánh giá tác động, phát huy dân chủ, tiếp thu ý kiến của nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị trước yêu cầu đảm bảo an ninh chính trị trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Khanh, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) lưu ý phải xác định đây là công tác trọng yếu, thường xuyên, liên tục của toàn hệ thống chính trị, là trách nhiệm lớn lao của lực lượng Công an nhân dân và những cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật tại các cơ quan bộ, ngành. Theo đó, cán bộ 2 Bộ cần tiếp tục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để thống nhất hành động chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt một số chuyên đề, trong đó tập trung vào việc cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong xây dựng, sửa đổi pháp luật; tiếp tục phát huy dân chủ, tiếp thu ý kiến của nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật…/.
Thu Hằng