Đại diện Việt Nam ngày 27/4 đã trình bày chương trình hành động và trả lời các câu hỏi trước Hội đồng chấp hành của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và đại sứ các nước thành viên, TTXVN đưa tin.
Sau đó Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được thông báo ông lọt vào vòng ba của cuộc tranh cử chức tổng giám đốc, ông chia sẻ trên trang cá nhân Facebook.
"Tôi đến từ Việt Nam, một đất nước trải qua hàng thập kỷ chiến tranh nhưng đã vượt lên với lòng vị tha và khoan dung. Tôi đến từ Việt Nam, một đất nước luôn muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới", ông Châu nhắc lại lời chào của mình gửi tới đại diện các nước trong phiên hỏi đáp.
Đại sứ cũng nhận được rất nhiều lời chúc mừng và lời khen "đỉnh của đỉnh" từ nhiều đồng nghiệp và bạn bè, sau phần trình bày của ông.
Là người Việt Nam đầu tiên được giới thiệu ứng cử vào vị trí này, ông Châu và 8 ứng viên khác đã trình bày kế hoạch trong khuôn khổ kỳ họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 201 diễn ra từ 19/4 đến 4/5 tại Paris, Pháp. Hoạt động tranh cử diễn ra khi bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, sẽ mãn nhiệm vào tháng 11 năm nay.
Đại sứ Châu đã đưa ra ba thông điệp lớn về tầm nhìn UNESCO, các đề xuất đổi mới để các hoạt động của tổ chức này ngày càng hiệu quả. Ông đã trả lời câu hỏi của các thành viên Hội đồng chấp hành nhằm làm rõ quan điểm về cách giải quyết các thách thức đang đặt ra cho UNESCO. Trong đó tổ chức đang phải đối mặt với vấn đề ngân sách ngày càng eo hẹp trong khi nhu cầu ngày càng lớn, các giải pháp tăng cường sự hợp tác và đối thoại giữa các bên trong khuôn khổ hoạt động của UNESCO.
Năm nay UNESCO đưa ra một quy trình hoàn toàn mới trong việc chọn tổng giám đốc, giống với quy trình chọn tổng thư ký của LHQ. Thay vì tiến hành những cuộc phỏng vấn trong phạm vi hẹp, lần đầu tiên UNESCO cho phép đại diện các phái đoàn ngoại giao được vào phòng họp để tham dự, truyền hình trực tiếp hình ảnh ứng cử viên, thời gian phiên hỏi đáp tăng từ 60 phút lên 90 phút.
Cuộc bỏ phiếu kín bầu tân tổng Giám đốc UNESCO sẽ được tiến hành đợt 1 vào tháng 10 năm nay tại Hội đồng Chấp hành, đợt 2 vào tháng 11/2017, tại Đại hội đồng UNESCO. Tổng giám đốc UNESCO có nhiệm kỳ 4 năm.
|
Đại sứ Phạm Sanh Châu, ngoài cùng bên trái, gặp gỡ 8 ứng viên từ các nước khác và Chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO. Ảnh: Facebook
|
Ông Phạm Sanh Châu, 55 tuổi, hiện là Đặc phái viên của Thủ tướng Việt Nam về các vấn đề UNESCO.
Trong giai đoạn 2006 - 2010, ông từng là Vụ trưởng Vụ Văn hoá đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao, kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
Ông từng là đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2011 đến 2014.
Hồi 1999, khi là Đại sứ tại UNESCO, ông Châu đã tham gia chiến dịch vận động để tổ chức này công nhận Hà Nội là "Thành phố hòa bình". Ông cũng góp phần trong nỗ lực để UNESCO công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới.
Đại sứ Châu thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, từng là phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao Việt Nam thời kỳ 1986 - 1996.
8 các ứng viên còn lại đến từ Trung Quốc, Pháp, Ai Cập, Qatar, Iraq, Lebanon, Guatemala và Azerbaijan.
|
Khánh Lynh