Những năm gần đây, đã có rất nhiều tài liệu do các chuyên gia công bố cảnh báo về một đại dịch toàn cầu đang chực chờ bùng nổ mà đại diện trong số này chính là tỷ phú Bill Gates. Ông đã nhắc đến vấn đề này thông qua chương trình TED Talk mà theo thống kê có tới 18 triệu người theo dõi. Trên tạp chí The Atlantic năm 2018, Ed Yong cũng có bài cảnh báo rằng nước Mỹ chưa chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đương đầu với đại dịch. Hồi tháng 10 năm ngoái, Trung tâm An toàn sức khỏe trực thuộc Bệnh viện John Hopkins đã đưa ra giả định nếu như đại dịch COVID-19 mới nổ ra trên toàn cầu thì sẽ như thế nào? Và giả định đó giờ đang trở thành hiện thực. Từ câu hỏi “Nếu như…?” trước đó bây giờ là câu hỏi “Cần phải làm gì…?”.
Nhiều quốc gia phương Tây mặc dù có nền tảng y học tiên tiến, cơ sở hạ tầng tốt, tiềm lực kinh tế dồi dào nhưng vì nhiều lý do trong đó có nguyên nhân chủ quan, xem nhẹ nên đã lúng túng từ xây dựng chính sách đến triển khai các biện pháp thực hiện. Đơn giản như cái khẩu trang, trong khi tại các quốc gia châu Á ngay từ đầu hầu hết người dân đã đeo để phòng tránh thì cho đến nay chính quyền Mỹ mới thừa nhận việc này là cần thiết.
Tình trạng khẩn cấp tựa như thời chiến mới càng cho thấy tầm quan trọng của các cấp chính quyền. Chỉ có Nhà nước mới có đủ thông tin, đủ quyền lực để ngăn chặn những thông tin giả gây hoang mang trong xã hội, có đủ các công cụ mà qua đó buộc các doanh nghiệp chung tay cùng giảm thiểu những căng thẳng về thiếu hụt như khẩu trang y tế, máy trợ thở, chất khử trùng tay… Và cũng chỉ có Nhà nước mới có đủ khả năng hỗ trợ tài chính để ngăn chặn nạn đầu cơ, bình ổn xã hội và giúp các doanh nghiệp cũng như người dân vững tin vượt qua cuộc khủng hoảng về dịch bệnh.
Trả lời tạp chí Time, Doris Kearns Goodwin - tác giả cuốn sách “Lãnh đạo trong thời kỳ rối ren” (Leadership in Turbulent Times - 2018) đã lấy trường hợp của Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt hồi năm 1933 làm ví dụ. Tháng 3/1933, ông nhậm chức tổng thống đúng vào thời điểm cuộc Đại khủng hoảng đang đẩy Mỹ và cả thế giới tới bờ vực thảm họa. Ngay lập tức, ông yêu cầu phải cho mình có những thẩm quyền đặc biệt tựa như đất nước đang có chiến tranh. Nhờ sự quyết liệt của Roosevelt mà kinh tế Mỹ đã tránh được suy sụp và hồi phục. Ngay khi Chiến tranh Thế giới lần II bùng nổ, ông đã cho chuyển nền kinh tế sang tình trạng thời chiến. Những cơ sở sản xuất đồ chơi chuyển sang làm la bàn, sản xuất máy chữ - làm súng trường, may trang phục bằng lụa - sản xuất dù… Chính nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, sản xuất máy bay đã tăng gấp 10 lần!
Con người - tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia và bảo đảm sức khoẻ cho mọi người dân (hay nói cách khác là bảo đảm an ninh y tế) phải là quốc sách? Thời gian qua, người ta thường chỉ nhắc tới an ninh lương thực, an ninh năng lượng… mà ít ai biết rằng có những lúc chiếc khẩu trang, đôi găng tay y tế… lại trở thành những vật dụng chiến lược để bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho các công dân của đất nước mình (cũng tựa như vũ khí, đạn dược trong chiến tranh vậy). Quá trình toàn cầu hóa đã tạo nên một chuỗi cung ứng tưởng chừng như hoàn hảo, nào ngờ sự lệ thuộc quá lớn vào nhau đã trở thành nguy cơ, thậm chí là thảm họa khi một trong những mắt xích trong chuỗi cung ứng này bị gián đoạn. Để cứu chữa được bệnh nhân và để dập được dịch thì trước tiên “những chiến binh áo trắng” phải được bảo toàn trong cuộc chiến này. Những vật dụng nhỏ bé, hoàn toàn không quá đắt đỏ như khẩu trang, găng tay, áo bảo hộ, chất khử trùng… lại là những vật dụng tối cần thiết để bảo đảm sự an toàn cho “những chiến binh áo trắng”. Chính họ phải khỏe mạnh thì mới mong giành được chiến thắng. Theo The Atlantic, đã có nơi, có lúc người ta buộc phải cho bệnh nhân tái sử dụng khẩu trang hoặc kêu gọi sự trợ giúp và thậm chí còn tự khâu tay để dùng tạm.
Ý thức về tầm quan trọng của an ninh lương thực, an ninh năng lượng… đối với quốc gia thì an ninh y tế có lẽ sẽ là vấn đề cần phải được quan tâm để có chiến lược tại mỗi quốc gia khi lâm vào hoàn cảnh như hiện nay. Đúng như Ed Yong đã viết trên The Atlantic: “Nếu như sau sự kiện 11/9, cả nhân loại dồn sự quan tâm tới chống khủng bố thì nay sẽ xuất hiện thêm nhiều dự án tài trợ cho các chương trình nghiên cứu virus và vaccine cùng các khóa đào tạo cho lĩnh vực này. Có lẽ sẽ có hẳn một chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về dịch COVID-19 trong thời gian tới ”.
Đại dịch nổ ra khi nhân loại đang quen dần với sự hiện diện của cuộc cách mạng 4.0. Dường như tất cả đều hiểu được vai trò của số hóa nhưng thói quen, sức ỳ vẫn là trở ngại để những thành tựu của công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa tạo điều kiện cho năng suất lao động được cải thiện. Chuyên gia A.Baranova đã ví dụ: “Trước đại dịch, hầu như chẳng trường đại học nào hào hứng với cách đào tạo trực tuyến đại trà nhưng theo tôi trong tương lai gần, mô hình này sẽ dần trở nên phổ biến”. Trong lịch sử, chỉ nhờ rửa tay mà các bác sĩ đã cứu thêm được rất nhiều mạng sống. Ai cũng hiểu hành vi rửa sạch tay có tác dụng ra sao nhưng có lẽ phải nhờ đến đại dịch COVID-19 mà thói quen rửa tay mới “ngấm vào máu” của mỗi người. Đại dịch sẽ là thử thách cũng là đòi hỏi con người phải thay đổi và phải biết tận dụng những tiến bộ của thời đại số để tạo thành thói quen và để cải thiện cuộc sống của mình.
Người bị ảnh hưởng nhiều nhất trước mọi biến động trong xã hội là nhóm những người yếu thế. Chính sách an sinh xã hội lại càng đòi hỏi sự quan tâm hàng đầu đối với nhóm người này. Thực tế tại Ấn Độ đã cho thấy, khi Chính phủ ban hành lệnh cách ly xã hội, do không có những tính toán và chuẩn bị chu đáo mà hàng triệu người đã phải đi bộ trong “cuộc di dân miễn cưỡng” từ thành phố trở về quê nhà. Đích thân Thủ tướng Modi mới đây đã phải chính thức xin lỗi những người yếu thế về những quyết định không thể trì hoãn của mình.
Trong thời gian sống trong cảnh giãn cách với xã hội - “ai ở nhà nấy”, những người già sẽ gặp nhiều khó khăn vì không biết sử dụng các công cụ để mua bán online. Không gian sống của người có thu nhập thấp cũng rất hạn hẹp dễ gây nên những sang chấn tâm lý, bức xúc…
Thực tiễn tại Anh, Italy… cho thấy hoàn cảnh khách quan đã buộc các bác sĩ tại đây phải quên mất “Lời thề Hippocrates” về đạo đức nghề y, cứu chữa cho người bệnh không phụ thuộc họ là ai, địa vị xã hội của họ thế nào chỉ vì sự quá tải của cả hệ thống y tế. Phần đông trong số người tử vong trong thời gian qua là thuộc nhóm những người yếu thế.
Trong thời gian dịch bệnh hoành hành tất yếu sẽ kéo theo suy thoái kinh tế. Sẽ có nhiều người bị mất việc làm. Sau khi dịch bệnh qua đi nếu không có những chính sách được tính toán trước thì những ấm ức, bất ổn trong xã hội sẽ dễ âm ỉ và bùng phát.
Nhóm những người không may mắn bị nhiễm dịch bệnh, mặc dù đã được chữa khỏi nhưng cũng giống như Ebola, SARS và HIV sẽ bị xã hội xa lánh. Trong bài báo “Tâm lý về đại dịch” của mình, Stephen Taylor thuộc Đại học British Columbia đã mô tả về “những vết sẹo” trong cảm giác của các đồng nghiệp tại Vũ Hán, những người đã trải qua một đợt cách ly dài ngày và nay họ sợ phải ra khỏi nhà do chứng hoảng loạn ám ảnh.
Sự chung tay, đồng lòng và tương trợ lẫn nhau là bài học được rút ra từ đại dịch COVID-19.
Thời gian qua, một trong những thành công mà Hàn Quốc và Đức “gặt hái” được là test, test và test. Càng thực hiện được nhiều xét nghiệm thì càng nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn được dịch bệnh. Để sản xuất ra các bộ kit thử SARS CoV-2 không phải quốc gia nào cũng có khả năng như nhau. Hy vọng sau đại dịch, các siêu dự án về lĩnh vực này sẽ được triển khai để “Lời thề Hippocrates” sẽ được “những chiến sĩ áo trắng” thực hiện.
Dịch bệnh chẳng chừa một ai và vì vậy sự trợ giúp trong thời kỳ đại dịch giữa các quốc gia với nhau cần phải được coi trọng và không nên bị chính trị hóa nếu quốc gia được giúp đỡ đang thực sự khó khăn và rất cần đến sự trợ giúp. Khi LB Nga quyết định trợ giúp Italy, đã có nhiều ý kiến đánh giá sự kiện này “mang màu sắc chính trị”. Ngày1/4, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phải tuyên bố: “Các quốc gia cần phải tự quyết định xem loại trợ giúp nào mà họ cần. Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu vì thế chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Các thành viên NATO giúp nhau, các quốc gia khác cũng vậy, trên cơ sở những gì mà quốc gia được giúp đang rất cần”. Ngày 30/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phát biểu dí dỏm: “LB Nga đã giúp cho Mỹ một máy bay rất, rất to, toàn các trang thiết bị y tế. Một hành động thật là diệu kỳ”.
Virus SARS-CoV-2 đã và đang len lỏi đến từng ngõ ngách trên hành tinh mà không đếm xỉa đến màu da, sắc tộc. Đã có những quốc gia bước đầu chặn được dịch nhưng chưa ai biết nhân loại sẽ còn phải đương đầu với nó bao lâu nữa? Chỉ biết rằng sẽ còn rất tốn kém và rất nhiều tổn thất. Vì vậy, hợp tác, chia sẻ thông tin, tôn trọng và trợ giúp lẫn nhau là việc tất cả các quốc gia cần làm và phải làm, cả hiện nay và cả khi cơn bão dịch bệnh đã đi qua.
Phạm Hoàng