Cho rằng tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã trở thành một “loại dịch” lan nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ ở mọi cấp, mọi ngành trong suốt 2 năm qua, tại phiên thảo luận ngày 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần phải sớm có giải pháp căn cơ để khắc phục.
Một trong số những giải pháp căn cơ nhất là Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn các luật mới được Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất như: Luật Đất đai sửa đổi, Đấu thầu sửa đổi, Giá sửa đổi, Nhà ở sửa đổi, Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Chính sách quy định chưa rõ, chưa thống nhất
Nêu quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho hay, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội sáng 25/5, đã chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân khách quan và 4 nhóm nguyên nhân chủ quan gây nên các hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết 43 và các Nghị quyết của Quốc hội thời gian qua.
Theo đại biểu Quốc hội, thời gian tới cần có cơ chế đặc thù "tốc hành hơn" để triển khai các vấn đề cấp bách về vật liệu san lấp, y tế, giáo dục; nhất là bảo vệ cán bộ trách nhiệm "dám nghĩ, dám làm."
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, tất cả các nguyên nhân báo cáo đều đúng và trúng, trong số đó có một nhóm nguyên nhân chủ quan mà ông rất quan ngại. Đó là nguyên nhân chủ quan thứ ba trong báo cáo tóm tắt về “tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.”
“Điều này đã trở thành một ‘loại dịch’ lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ ở mọi cấp, mọi ngành trong xã hội suốt từ năm 2022 đến hết năm 2023. Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua, thực sự đau và thực sự buồn,” đại biểu Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng cho rằng tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng tình trạng đùn đẩy, né tránh của cán bộ, công chức không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng.
“Hiện tượng này xuất phát từ 2 nguyên nhân. Một là văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp, thủ tục thực hiện dự án phức tạp. Hai là năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế,” đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) cho rằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ, chưa thống nhất dẫn đến các địa phương phải xin ý kiến hoặc đề nghị được hướng dẫn mới triển khai thực hiện.
Mặt khác, tổ chức thực hiện các chính sách vẫn theo quy trình, thủ tục trong điều kiện bình thường, trong khi yêu cầu đặt ra hết sức khẩn trương, sớm đưa nguồn lực đến đối tượng, tránh thất thoát, tiêu cực. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong ban hành chính sách, phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
“Cùng với đó, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ cũng dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp cũng có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra tăng chi phí phát sinh thủ tục,” đại biểu Âu Thị Mai nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cũng bày tỏ lo ngại khi 2 nguyên nhân trên thường xuyên xuất hiện trong hầu hết các báo cáo trình tại kỳ họp này của Quốc hội. Theo đại biểu, thực trạng này rất đáng quan tâm, cần phải có giải pháp căn cơ để khắc phục, không để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.
Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn
Đưa ra giải pháp khắc phục thực trạng trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo giám sát; trong đó tập trung tháo gỡ điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn cho 27 địa phương, bộ, ngành.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu có giải pháp tổng thể hơn, toàn diện hơn để hỗ trợ phát triển hệ thống doanh nghiệp đang kiệt sức.
Theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn các luật mới được Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất như: Luật Đất đai sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Giá sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
“Điều này để tạo cơ sở hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay. Khi hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sẽ khắc phục được tình trạng một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ,” đại biểu Trần Quốc Tuấn tin tưởng.
Có chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) cho rằng cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay.
Cùng góp giải pháp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh để ngăn chặn được “nạn dịch” né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại, đến năm 2024 này, ông mong các cấp bộ đảng và chính quyền cần coi đó là một tình trạng tiêu cực, cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
“Bên cạnh đó cũng cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những ai có tinh thần 7 dám, đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức nào dám làm, dám chịu trách nhiệm,” đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị./.