Tại phiên thảo luận ở tổ (chiều 24/10) về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật đã ban hành và thực thi trong 10 năm, do đó việc sửa đổi là cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập với kinh tế toàn cầu đồng thời hướng tới phát triển bền vững giai đoạn tới.
“Vỏ bọc” xuất khẩu để rửa tiền
Phát biểu tại tổ, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, đã chỉ ra nhiều thủ đoạn mà tội phạm sử dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền.
Đó là việc các đối tượng thành lập công ty "ma" với vỏ bọc xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện hành vi rửa tiền. Điển hình, cơ quan điều tra đã phát hiện một số vụ việc Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1985, ở Tây Hồ, Hà Nội) cùng các đồng phạm thành lập 8 công ty để chuyển hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
Kỳ họp thứ 4: Khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền
Ngoài ra, các đối tượng dùng tiền "bẩn" để tham gia trò chơi trực tuyến với các hình thức khác nhau, sau đó rút ra để trở thành tiền sạch, sử dụng mua nhiều loại tài sản có giá trị, bất động sản (như vụ đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương).
Không những thế, các đối tượng còn núp bóng gây quỹ từ thiện, đi du lịch hay lợi dụng mục đích chuyển tiền cho người thân, chữa bệnh, học tập nước ngoài… Ông Đức chỉ ra một trường hợp một người Việt đi du lịch tại Bồ Đào Nha, thông qua luật sư mở tài khoản và thông báo cho người nhà đã tham gia một tổ chức từ thiện nhằm thực hiện hành vi chuyển 200.000 euro sang quốc gia này.
Một số thủ đoạn khác là chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài (chưa phổ biến), nhờ người thân mua tài sản, bất động sản hoặc cho tặng tài sản (khá phổ biến), thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc lợi dụng đầu tư tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết: “Dù pháp luật Việt Nam chưa công nhận nhưng trên thực tế các giao dịch tiền ảo đang diễn ra phổ biến, các đối tượng lợi dụng tiền ảo để thực hiện hành vi rửa tiền.”
Xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ
Trước tình trạng đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh cần tính toán cặn kẽ để xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền.
Đi vào chi tiết dự thảo Luật (sửa đổi), ông Đức cho rằng “Điều 25- Quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn” còn mang tính định tính. Ông đặt vấn đề: “Thế nào là giao dịch có giá trị lớn, bao nhiêu thì được coi là lớn, do đó cần có quy định mang tính định lượng, để rõ ràng và khả thi khi triển khai.”
Đại biểu Dương Ngọc Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ý kiến góp ý “Điều 26 - Quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ,” có nêu rõ đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (khi giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự).
Song, ông Hải cho rằng người có trách nhiệm báo cáo không thể biết được đó là các giao dịch theo yêu cầu của bị can, bị cáo. Vì vậy, quy định này rất khó khi thực hiện.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) cho rằng cần xem xét một số quy định đảm bảo công tác phòng chống rửa tiền thật sự nghiêm túc, hiệu quả và không tạo ra những gánh nặng không cần thiết cho hệ thống ngân hàng đồng thời tăng chi phí tuân thủ hay giảm tiến độ các giao dịch kinh doanh (đặc biệt trên môi trường mạng).
Chiều 24/10/2022, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
“Điều 10 quy định việc tổ chức báo cáo phải thu thập, xác minh thông tin, nhận biết khách hàng, các nhân ở trong nước,” ông Thi nhấn mạnh các thông tin này rất cụ thể. Việt Nam đang xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, nên trong dự thảo Luật có các quy định này nhằm đảm bảo có sự kết nối, liên thông và hạn chế được các vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, ông Thi có lưu ý “Điều 29 - Quy định các giao dịch chuyển tiền thường xuyên từ nhiều ví điện tử khác nhau về một ví điện tử trong một thời gian ngắn…,” song trên thực tế, các cửa hàng ăn uống hay doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện những giao dịch này là rất phổ biến.
“Vì vậy, quy định này có thể sẽ tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế và không đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống rửa tiền,” ông Thi nói.
Tại phiên thảo luận, các đại biếu cho rằng việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế phòng chống rửa tiền (trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số hiện nay) phải đặt trong một tổng thể về phát triển hệ thống ngân hàng số tại Việt Nam. Bởi, đây cũng là xu thế trên toàn thế giới.
“Trong hội nhập, Việt Nam cần nghiên cứu kịch bản một cách tổng thể để phát triển về vấn đề trên. Hiện, Quốc hội đang xem xét Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) và hai Luật này cần có sự đối sánh và sự phối hợp trong quá trình soạn thảo giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra” đại biểu Tạ Đình Thi nói./.
Quảng - Hạnh (Vietnam+)