Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh tại Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật” đang diễn ra sáng ngày 24/4, tại Hà Nội.
Đánh giá khái quát thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hiện nay, ông Đỗ Xuân Luân, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp cho hay: Những năm qua, công tác PBGDPL đã và đang khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là sự ra đời của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ việc xây dựng thể chế đến các Chương trình, Đề án. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức PBGDPL, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của công dân…Những kết quả đạt được đã góp phần trực tiếp vào công tác tổ chức thi hành pháp luật và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. (Ảnh: TH).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc; nội dung PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; một số hình thức PBGDPL chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù và nội dung cần phổ biến; nguồn lực kinh phí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ…
Đáng chú ý, tình trạng đội ngũ cán bộ vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật trong thực thi pháp luật có xu hướng gia tăng; một bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế…
Chỉ rõ: “Nhân dân không hiểu pháp luật vi phạm đã đành, nhưng cán bộ Nhà nước thực thi công vụ mà vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng”, thì theo PGS.TS Nguyễn Văn Huyên, Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cần đổi mới nội dung trong công tác bồi dưỡng cán bộ về mặt kiến thức pháp luật. Bên cạnh bồi dưỡng về chuyên môn phải dành thời gian thích hợp bồi dưỡng nâng cao đạo đức để làm gương cho dân.
Đồng thời, mỗi công chức hằng ngày tiếp xúc với dân, khi thực thi công vụ phải lồng ghép việc phổ biến pháp luật để dân hiểu, dân thực hiện.
Luật sư Nguyễn Văn Hà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) lưu ý, khi tuyên truyền PBGDPL phải quan tâm đến đối tượng tuyên truyền, dù báo cáo viên nói hay đến đâu nhưng không đúng đối tượng thì cũng mất tính hiệu quả.
Đồng thời, phải lựa chọn chuyên để phù hợp, lồng ghép phù hợp với độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, không nên nói điều quá xa vời. Căn cứ vào điều kiện để chuyển hoá nội dung tuyên truyền, để người dân lĩnh thụ được vấn đề.
Nhấn mạnh công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, với nguồn lực có hạn, cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn mới nhằm đa dạng hình thức để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trở nên cuốn hút và việc tổ chức sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Về các thiết chế, trước tiên là PBGDPL, Bộ trưởng đề nghị, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên. Cùng với đó, đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật để phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, không đi theo lối mòn. “Phải tâm huyết, giảng giải thuyết phục thì người dân mới thích nghe”, Bộ trưởng lưu ý.
Mặt khác, phải có kiểm tra việc thực hiện các đề án, chương trình, làm đến đâu, đánh giá kết quả ngay đến đó…
Khẳng định, trong những năm qua, Ngày Pháp luật đã để lại dấu ấn tốt đẹp, song Bộ trưởng lưu ý, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu tổ chức Ngày Pháp luật ngày càng thiết thực, hiệu quả để mọi người biết đến nhiều hơn. Đồng thời, cần phải xác định tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật không chỉ trong Ngày Pháp luật 9/11 hàng năm mà phải thấm nhuần trong cuộc sống và coi đây là công việc hàng ngày của người dân./.
Thu Hằng