Trong khi đó, có hơn 3.000 người cần được giải cứu và tính đến sáng 25/7 đã có 2.851 người được cứu khỏi khu vực nước lũ ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu. Một số người vẫn còn mắc kẹt trên những ngọn cây và trên nóc nhà.
Theo quan chức huyện Sanamxay, hiện việc tìm kiếm và giải cứu những người còn sống cần được ưu tiên thực hiện nhanh chóng, sau đó là việc xác định danh tính những người thiệt mạng. Có 7 ngôi làng và nhà ở của khoảng 1.300 hộ gia đình với khoảng 6000 người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nước lũ từ vụ vỡ đập thủy điện.
Báo cáo từ tỉnh Attapeu cho thấy, có 19 thi thể đã được tìm thấy và 49 người được cho là mất tích sau khi đập thủy điện bị vỡ. Những con số này sẽ chỉ được xác nhận đầy đủ sau khi công tác giải cứu những người sống sót hoàn tất.
Trong ngày 24/7, Chính phủ Lào đã quyết định xuất ngân sách 1,2 tỷ kip (hơn 142.000 USD) để giúp người dân bước đầu khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập và công bố huyện Sanamsay là vùng thiên tai khẩn cấp. Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith đã phải hoãn cuộc họp thường kỳ của chính phủ để tới thị sát và chỉ đạo khắc phục sự cố, cũng như cứu trợ cho các đồng bào bị lũ lụt.
Vụ vỡ đập xảy ra tại công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, thuộc tỉnh Attapeu vào khoảng 20 giờ tối 23/7, khiến khoảng 5 tỷ mét khối nước tràn xuống hạ lưu. Công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy hoàn tất báo cáo tác động môi trường năm 2008, khởi công năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019.
Dự án có tổng giá trị 1,2 tỷ USD, được thực hiện theo hình thức BOT do liên doanh gồm một số công ty Hàn Quốc, Thái Lan và một công ty điện lực Lào vận hành.
Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Theo thiết kế, hồ chứa của dự án là 5 tỷ mét khối nước. Theo kế hoạch, con đập trên sẽ xuất khẩu 90% lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước./.
Kiều Giang (theo KPL, Vientiane Times)