Sau hai ngày xét xử, chiều 28/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 4 bị cáo là cựu lãnh đạo Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (gọi tắt là VEAM) do gây thất thoát 165 tỷ đồng khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất trái quy định.
Tòa đã tuyên án phạt hai bị cáo Nguyễn Thanh Giang (Tổng Giám đốc VEAM, giai đoạn 2000-2011) và Lâm Chí Quang (Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM, giai đoạn 2004-2011) cùng mức án 5 năm tù, bị cáo Đào Huấn Ngữ (Giám đốc Công ty Đúc số 1 giai đoạn 2002-2011) 33 tháng tù về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”
Bị cáo Nguyễn Văn Khôi (Ủy viên Hội đồng Quản trị, kiêm Trưởng Ban kiểm soát VEAM, giai đoạn 2007-2010) bị phạt 30 tháng tù nhưng được cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Bản án sơ thẩm nhận định, Lâm Chí Quang với vị trí là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Nguyễn Thanh Giang với vai trò là Tổng Giám đốc đã tích cực trong việc tìm đối tác để góp vốn hợp tác đầu tư, sau đó chuyển nhượng cổ phần và làm các thủ tục chuyển nhượng để lấy tiền di dời xây dựng Công ty Đúc 1. Hai bị cáo này đều không được hưởng lợi nên vai trò trong vụ án là ngang nhau.
Bị cáo Đào Huấn Ngữ là đồng phạm giúp sức bị cáo Giang trong việc ủy quyền ký bàn giao khu đất số 220, đường Bình Thới cho Công ty Phú Vinh.
Bị cáo Nguyễn Văn Khôi là Trưởng Ban Kiểm soát nhưng không thực hiện việc kiểm tra giám sát để Hội đồng Quản trị có điều kiện chuyển nhượng vốn nhưng không thực hiện định giá, đấu giá theo quy định. Vai trò của bị cáo Khôi được đánh giá là thấp nhất trong vụ án.
Theo bản án sơ thẩm, lợi dụng việc thực hiện đề án di dời Công ty Đúc số 1 (đơn vị hạch toán phụ thuộc VEAM, do Đào Huấn Ngữ làm Giám đốc) tại số 220, đường Bình Thới vào khu công nghiệp theo Quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các bị cáo đã bàn bạc thu lợi từ dự án xây dựng khu nhà ở và trung tâm thương mại, dịch vụ tại mặt bằng số 220 đường Bình Thới.
Từ năm 2006 đến năm 2008, Nguyễn Thanh Giang, khi đó là Tổng Giám đốc đại diện VEAM ký hợp đồng hợp tác với Công ty Phương Nam góp vốn thành lập Công ty Liên doanh Đúc Phương Nam để hợp tác, đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cấp “sổ đỏ” tại số 220, đường Bình Thới cho Công ty Đúc 1 và thỏa thuận, VEAM có trách nhiệm chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Liên doanh Đúc Phương Nam.
Sau khi Công ty Liên doanh Đúc Phương Nam giải thể, Nguyễn Thanh Giang đã đề nghị và được Hội đồng quản trị của VEAM ban hành nghị quyết phê duyệt việc VEAM góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại số 220, đường Bình Thới trị giá 115 tỷ đồng; cử Đào Huấn Ngữ làm người đại diện phần vốn góp của VEAM và bàn giao đất cho Công ty Phú Vinh.
Ngày 24/10/2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần hai cho Công ty Phú Vinh. Theo đó, VEAM không còn là cổ đông của Công ty Phú Vinh và không còn quyền lợi liên quan đến khu đất số 220, đường Bình Thới.
Cựu Tổng Giám đốc và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEAM bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”
Hội đồng xét xử xác định, hành vi của Lâm Chí Quang, Nguyễn Thanh Giang và Đào Huấn Ngữ thực hiện thủ tục góp vốn, chuyển nhượng cổ phần là giá trị quyền sử dụng đất của VEAM tại số 220, đường Bình Thới nhưng không thực hiện định giá, đấu giá là vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 165 tỷ đồng.
Nguyễn Văn Khôi và các cựu thành viên Hội đồng Quản trị của VEAM đã ký nghị quyết đồng ý để VEAM góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất tại số 220, đường Bình Thới và đồng ý cho chuyển nhượng cổ phần bằng nguyên giá 115 tỷ đồng nhưng không thực hiện định giá, đấu giá là vi phạm các quy định của Nhà nước./.