Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi 

(QT) - Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Vĩnh Linh có tổng số 9.215 hội viên, phân bố trên 29 hội cơ sở. Thời gian qua, Hội CCB Vĩnh Linh đã triển khai thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” để giúp các hội viên thoát nghèo, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên làm giàu. Đến nay, số hộ hội viên nghèo và cận nghèo giảm đáng kể, đời sống ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31 triệu đồng/người/năm…

Chúng tôi có dịp cùng anh Trần Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Vĩnh Linh về cơ sở gặp gỡ những gia đình CCB làm kinh tế giỏi. Anh Chương cho biết từ năm 2010 trở về trước, phong trào CCB giúp nhau nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ gia đình CCB khá và giàu chỉ đạt dưới 30%. Từ năm 2012 trở đi, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên để làm kinh tế, tranh thủ sự giúp đỡ từ ban, ngành các cấp nên phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới được đông đảo hội viên và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực.

 

Đến nay, Hội CCB huyện Vĩnh Linh có nhiều mô hình hội viên sản xuất, kinh doanh thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập ổn định, ngày càng phát triển và nhân rộng. Anh Chương dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình trồng tiêu của anh Lê Văn Thành, hội viên chi hội 4, thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, gặp lúc anh đang chăm sóc vườn tiêu với diện tích lớn, cây nào cũng xanh mướt, những buồng tiêu sai quả sắp cho thu hoạch. Nhìn vườn tiêu được chăm chút tỷ mẩn, hệ thống nước tưới tự động được nối đến từng gốc cây, đủ để thấy chủ nhân của vườn tiêu nắm vững kỹ thuật và đầu tư quy mô, bài bản như thế nào. Anh Thành chia sẻ: “Nhà tôi bắt đầu khai hoang, phục hóa đất để trồng tiêu từ năm 1996. Qua nhiều năm cày cuốc, vun trồng, đến nay gia đình tôi có gần 1,5 ha hồ tiêu đã cho khai thác. Vụ vừa rồi, tôi thu được 1 tấn tiêu khô, xuất bán ra thị trường và thu về gần 100 triệu đồng.

 

Ngoài vườn tiêu, tôi còn xây dựng thêm một lò sản xuất gạch nung ở bên nước bạn Lào từ 4 năm nay. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định”. Được biết, trước đây, gia đình anh Thành không mấy khá giả. Sau khi được Hội CCB các cấp quan tâm, hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp và tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế gia đình anh dần khởi sắc. Nay gia đình anh Thành là một trong những hộ có kinh tế ổn định và vững vàng trong xã. Anh Thành luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các CCB và những người quan tâm về kỹ thuật, cây giống để họ mạnh dạn đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

 

Năm 1992, anh Trần Văn Phước ở thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp lên đường làm nghĩa vụ quân sự. 2 năm sau, anh xuất ngũ trở về quê. Hành trang mang theo là những kinh nghiệm sống, sự cần cù và sức khỏe dẻo dai đã được tôi luyện trong môi trường quân đội. Được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện về nhiều mặt của các cấp Hội CCB cùng với sự cần cù, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Phước hưởng ứng tham gia phong trào thi đua CCB sản xuất, kinh doanh giỏi. Khởi đầu, anh đấu thầu các vùng ruộng trũng thấp không gieo lúa được để đào ao thả cá kết hợp nuôi gà vịt. Sau đó, anh vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Linh và vốn từ nguồn quỹ giúp nhau phát triển kinh tế của Hội CCB huyện Vĩnh Linh cùng với vốn dành dụm được bấy lâu đầu tư mở rộng ao hồ, xây dựng chuồng trại, mua thêm con giống để phục vụ chăn nuôi.

 

Vượt qua khó khăn, anh Phước dần rút kinh nghiệm từ quá trình canh tác và đăng ký học thêm các lớp tập huấn về chăn nuôi thú y, tham gia các chương trình hội thảo, học hỏi tham quan các mô hình do Hội CCB huyện tổ chức để áp dụng vào sản xuất. Từ đó, trang trại của anh dần đi vào hoạt động ổn định. Đến nay, gia đình anh Phước có hồ cá nuôi các loại trắm cỏ, mè, rô phi đơn tính, trê lai… với diện tích hơn 1 ha, cho thu hoạch 2-3 tấn/năm. Tận dụng diện tích vườn, anh nuôi thêm đàn vịt và gà thả vườn hàng trăm con.

 

Bên cạnh đó, anh Phước xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn thịt với khoảng 60 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa. Lượng chất thải của đàn lợn được anh tận dụng làm nguồn thức ăn cho cá. Đối với diện tích các bờ hồ cùng những vùng ruộng, đất gieo trồng kém hiệu quả, anh chuyển sang trồng cỏ voi nuôi bò sinh sản và trâu vỗ béo. Ngoài ra, gia đình anh Phước còn nhận khoán rừng thông của Hợp tác xã Lai Bình để khai thác nhựa và trồng thêm rừng tràm lai với diện tích 3 ha. Gia đình anh còn sắm thêm máy xay xát, máy cắt cỏ phục vụ gia đình vừa làm dịch vụ cho người dân trong vùng. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, trang trại tổng hợp của anh Phước cho lãi ròng hơn 300 triệu đồng và giải quyết công ăn việc làm cho 3-4 lao động địa phương với mức thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/tháng/ người. “Nhờ có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hội CCB xã Vĩnh Chấp và huyện Vĩnh Linh mà tôi có nguồn vốn đầu tư vào trang trại, có thêm kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt, hạn chế thiệt hại trong sản xuất. Giờ đây, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn, con cái cũng học hành đến nơi đến chốn nên tôi tâm niệm luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ cho các hội viên CCB trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn về giống vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cũng như cho họ vay vốn không lãi suất để họ có việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, nuôi con cái ăn học đàng hoàng”, anh Phước bộc bạch.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Niệm, Chủ tịch Hội CCB huyện Vĩnh Linh cho biết: Thời gian qua, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được các CCB hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều mô hình, nhiều cách làm giàu khác nhau dựa trên tiềm năng, thế mạnh, điều kiện tự nhiên về đất đai của từng vùng, nguồn lực từng gia đình đã làm cho phong trào ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, nhiều hộ gia đình CCB đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Trong giai đoạn 2011-2016, Hội CCB Vĩnh Linh có 480 hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) cấp xã, 236 hộ SXKDG cấp huyện, 21 hộ SXKDG cấp tỉnh và 5 hộ SXKDG cấp trung ương.

 

Trần Tuyền

 

1194 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 756
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 756
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87068502