Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba 

Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra từ ngày 18-20/9 tại thủ đô Bình Nhưỡng trong bối cảnh quan hệ hai miền Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể, song tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên dường như đang rơi vào thế bế tắc.
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba

Nội dung chính mà hai nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo trong cuộc gặp lần này là làm cách nào để tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai miền và thúc đẩy đối thoại Triều-Mỹ nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hàng loạt diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên kể từ sau “cú hích” là cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ngày 27/4 giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã và đang tạo môi trường thuận lợi khiến cơ hội giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có thêm hy vọng. Nỗ lực và thiện chí từ cả Hàn Quốc và Triều Tiên phần nào đã được thể hiện.

Không chỉ một cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 mang tính chất “mở đường,” suốt hơn 4 tháng qua, có thể nói hai bên đều cố gắng hiện thực hóa từng bước những cam kết mà Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được trong Tuyên bố Panmunjom, trên tinh thần đối thoại xây dựng và chân thành. 

Kết quả đáng ghi nhận nhất của việc thực hiện Tuyên bố Panmunjom chính là quan hệ liên Triều đang được cải thiện một cách khá bền vững. Hai miền Triều Tiên tiến hành thường xuyên các cuộc đàm phán, kể cả cấp cao nhất. Sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4, lãnh đạo hai miền đã gặp lại lần thứ hai ngày 26/5 tại Panmunjom. Cuộc gặp lần thứ ba được lên kế hoạch diễn ra tại Bình Nhưỡng sắp tới có thể coi là bước đi phản ánh một cách logic xu thế hòa giải ngày càng rõ nét  này.

Một trong những sự kiện mang tính biểu tượng cao cho mối quan hệ đang dần nồng ấm trở lại giữa hai miền Triều Tiên, là hai đợt đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, được tổ chức cuối tháng 8 vừa qua sau 3 năm gián đoạn. Đây có thể coi là sự tiếp nối những nỗ lực không mệt mỏi nhằm hướng tới mục tiêu đạt được hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Ý nghĩa của cuộc đoàn tụ lần thứ 21 này không chỉ là việc thực hiện một trong những thỏa thuận chủ chốt của Tuyên bố Panmunjom, mà còn thể hiện khát vọng hòa bình, hòa hợp cháy bỏng giữa hai miền. Hàng loạt dự án hợp tác kinh tế và giao lưu xã hội đang được cả hai miền thúc đẩy cũng góp phần tạo điều kiện hướng tới mục tiêu hòa bình và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, quan hệ liên Triều đang được củng cố bằng nỗ lực xây dựng lòng tin từ cả hai bên. Việc Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi diễn ra 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 của nước này, hay phá hủy một số cơ sở phóng tên lửa, cũng như việc Hàn Quốc hủy một loạt cuộc tập trận chung thường niên với Mỹ, ngừng xây dựng các căn cứ quân sự sát biên giới Triều Tiên... đang đưa quan hệ hai miền vào quỹ đạo của đối thoại và hợp tác chặt chẽ.

 

Ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh lần này, hai bên đã mở cửa văn phòng liên lạc chung, một dạng quan hệ ngoại giao sơ khởi giúp tránh những hiểu lầm, những bất đồng đáng tiếc không chỉ trong lĩnh vực an ninh-quân sự mà còn cả trong các lĩnh vực khác. Với sự hoạt động của văn phòng này, hai bên sẽ có kênh liên lạc mới, thường xuyên và hiệu quả, tạo điều kiện phát triển quan hệ song phương. 

Không chỉ có thế, hai miền Triều Tiên còn nhất trí tiến hành một số việc làm giảm căng thẳng quân sự, trong đó có kế hoạch giải giáp Khu vực an ninh chung và tiếp tục các hoạt động khai quật chung hài cốt binh lính tử trận trong Khu phi quân sự  (DMZ).

Một thuận lợi nữa là trong thành phần đoàn Hàn Quốc sang Triều Tiên lần này có mặt một số quan chức đảng cầm quyền cũng như đảng đối lập, một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in giành sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị Hàn Quốc trong tiến trình hòa giải liên Triều cũng như phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, tình trạng bế tắc trong tiến trình thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đang tạo ra nhiều trở lực. Thế bế tắc này bắt nguồn từ những bất đồng trong các bước đi tiếp theo của tiến trình phi hạt nhân hóa sau thỏa thuận giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 ở Singapore. Mỹ muốn Triều Tiên công khai chi tiết chương trình hạt nhân, trong khi Triều Tiên muốn Mỹ chấp nhận ký tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên trước. Hai nước dường như không thể tiếp tục thực hiện các động thái tiếp theo.

Việc Tổng thống Mỹ cuối tháng 8 vừa qua hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng với lý do không có tiến triển về các nỗ lực giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tiếp tục siết chặt trừng phạt Triều Tiên, chẳng những làm gián đoạn tiến trình thực hiện các cam kết về phi hạt nhân hóa, mà còn phát đi “một tín hiệu xấu” có thể khiến mọi chuyện đi chệch hướng. Mặc dù những động thái từ phía Mỹ được xem là một phần toan tính của Tổng thống Trump nhằm gây sức ép với Triều Tiên, nhưng nó cũng cho thấy giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn thiếu lòng tin chiến lược.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc một lần nữa không để các nỗ lực ngoại giao trong nửa năm nay bị đổ vỡ do sự bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên. Hàng loạt cuộc tiếp xúc ngoại giao con thoi giữa các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với các quan chức cả Triều Tiên lẫn Mỹ đã thu được các kết quả rất tích cực: ấn định được thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên; phần nào thuyết phục được phía Mỹ, cụ thể là Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng chuyện ký tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên sẽ không làm suy yếu liên minh Hàn-Mỹ và Mỹ không phải rút quân khỏi Hàn Quốc - một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á - điều mà Mỹ rất lo ngại không chỉ vì Triều Tiên mà còn vì một số nguyên nhân sâu xa khác.

Đây là một trong những vấn đề gây vướng mắc cần được tháo gỡ, bởi Triều Tiên muốn có tuyên bố kết thúc chiến tranh trước để bảo đảm rằng an ninh của mình không bị đe dọa, còn phía Mỹ thì muốn tiếp tục hiện diện quân sự ở Hàn Quốc.

Có thể nói Hàn Quốc đang làm tốt vai trò kết nối của mình để giữ Triều Tiên không chệch bước khỏi con đường phi hạt nhân hóa và xóa bỏ sự nghi ngờ của Mỹ. Nỗ lực của Seoul làm trung gian đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng đang được thực hiện dựa trên mức độ tin tưởng mà Hàn Quốc đã xây dựng được với cả hai nước này, mà cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đang được kỳ vọng tạo ra đòn bẩy đưa quan điểm của Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn. 

Còn nhớ ngay khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ngay lập tức gặp ông Kim Jong-un ở Panmunjom lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng, mà kết quả là đàm phán Triều–Mỹ đã diễn đúng lộ trình. Đó là lý do dư luận hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm nay sẽ tạo cơ hội tháo gỡ những vướng mắc, khai thông bế tắc để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa, hướng tới thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên./.

579 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1388
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1388
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87161325