"Chính phủ hôm nay (2/12) chấp thuận khuyến nghị từ Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA), phê duyệt vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech để sử dụng", The Guardian dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cho biết.
Ngay sau khi MHRA công bố quyết định cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng hoan nghênh, nhấn mạnh đây là tin tuyệt vời sẽ giúp cuộc sống của người dân và kinh tế nước này trở lại bình thường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, chương trình tiêm vaccine sẽ được khởi động ngay đầu tuần tới. Theo ông, việc triển khai tiêm chủng trên toàn quốc sẽ là "thách thức" vì vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C. Ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường (2-8 độ C), vaccine có thể được trữ trong 5 ngày. Hiện một mạng lưới khoảng 50 bệnh viện tại nước này đã sẵn sàng tiếp nhận vaccine và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, để chương trình tiêm chủng thành công, các quan chức y tế Anh cũng lưu ý người dân nước này cần tiếp tục tuân thủ các hạn chế cần thiết nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn đà lây lan của dịch bệnh, cũng như tránh để dịch vụ y tế công (NHS) rơi vào tình trạng quá tải.
Pfizer-BioNTech đã ký thỏa thuận cung cấp 40 triệu liều vaccine COVID-19 cho Vương quốc Anh, với thời gian giao hàng vào năm 2020 và 2021. Số vaccine này đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người dân Anh. Khoảng 800.000 liều vaccine đầu tiên sản xuất tại Bỉ sẽ được vận chuyển đến Anh trong vài ngày tới. Các chuyên gia y tế đã lập ra một danh sách ưu tiên tạm thời, theo đó, những người có nguy cơ nhiễm virus cao như các nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu và người trên 80 tuổi... sẽ được nhận những liều vaccine đầu tiên.
Ngày 18/11 vừa qua, Pfizer-BioNTech đã công bố kết quả thử nghiệm cuối cùng, theo đó, vaccine tiềm năng do hai hãng phối hợp phát triển có thể đạt hiệu quả phòng ngừa COVID-19 tới 95% mà không gây quan ngại lớn nào về độ an toàn. Đây là loại vaccine được nghiên cứu phát triển chỉ trong vòng 10 tháng, một thời gian kỷ lục so với các loại vaccine thông thường có thể mất tới 5-10 năm để được đưa vào sử dụng. Vaccine của Pfizer-BioNTech có giá khoảng 20 USD/liều, bao gồm 2 liều, tiêm cách nhau 3 tuần. Các chuyên gia cho biết sẽ phải mất vài tuần để hình thành miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
Tổng thống Putin phát lệnh tiêm vaccine COVID-19 diện rộng ở Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị bắt đầu tiêm chủng vaccine COVID-19 quy mô lớn ở Nga vào cuối tuần tới.
Trong cuộc họp chính phủ trực tuyến ngày 2/12, Tổng thống Putin cho biết, ngành công nghiệp dược phẩm của Nga đã sẵn sàng đối mặt với thách thức. Ông giải thích rằng số lượng vaccine Sputnik V sẽ đạt 2 triệu liều trong những ngày tới.
“Tôi đề nghị Phó Thủ tướng tổ chức việc tiêm chủng quy mô lớn vào cuối tuần tới" - ông Putin nói với Phó Thủ tướng Tatyana Golikova. Bà Golikova hứa sẽ báo cáo lại khi chính phủ sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng ông Putin trả lời ngắn gọn bằng cách nói rằng ông không muốn báo cáo mà là bắt đầu tiêm chủng thực sự.
Việc tham gia tiêm chủng sẽ là tự nguyện và công dân Nga sẽ được tiêm miễn phí.
Ngày 2/12, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, chi phí cho một liều vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 đối với các nước có giá dưới 10 USD.
Cũng trong ngày 2/12, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cùng với Bộ Y tế Nga tổ chức buổi giới thiệu, cung cấp thông tin chi tiết về vaccine Sputnik V của Nga. Sự kiện có tên gọi là "Sputnik V: Vaccine ngừa COVID-19" được tổ chức dưới dạng trực tuyến bên lề một phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Đến nay, 2 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được đăng ký ở Nga. Loại đầu tiên được đăng ký là Sputnik V do Trung tâm Gamaleya phát triển. Ngày 14/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo việc đăng ký vaccine EpiVacCorona của Trung tâm Vector.
Mỹ và EU rốt ráo chuẩn bị
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và nhập viện do COVID-19 tăng chóng mặt trong những ngày qua, giới chức Mỹ ngày 1/12 thông báo sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine cho hàng triệu công dân, sớm nhất là từ giữa tháng 12. Cùng ngày, EU ấn định khung thời gian khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Cố vấn hàng đầu của chương trình "Triển khai chiến dịch tiêm chủng" của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết, 20 triệu người dân có thể sẽ được tiêm vaccine vào cuối năm 2020 và đến giữa năm 2021, hầu hết người dân Mỹ có thể tiếp cận được với các loại vaccine hiệu quả cao.
Trong khi đó, tại một sự kiện do báo The Washington Post thực hiện cùng ngày, ông Moncef Slaoui, cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline - GSK, cho biết: "Trong vòng 24 giờ, nhiều nhất là 36-48 giờ, sau khi được cấp phép, vaccine ngừa COVID-19 có thể tới được tay người dân". Cùng với việc các sản phẩm vaccine của tập đoàn dược phẩm Pfizer và Moderna được thông qua, kể từ tháng 1/2021, mỗi tháng sẽ có khoảng 60-70 triệu liều vaccine được cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Theo kế hoạch, một ủy ban của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) gồm nhiều cố vấn từ bên ngoài sẽ họp vào ngày 10/12 để thảo luận xem liệu có đề xuất "quyền sử dụng khẩn cấp" đối với vaccine của Pfizer hoặc Moderna hay không. Theo ông Saloui và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Alex Azar, tiến trình phân phối vaccine sẽ bắt đầu sau khi FDA thông qua loại vaccine đầu tiên, dự kiến là vài ngày sau cuộc họp trên.
Liên quan đến đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm chủng, ngày 1/12, hội đồng cố vấn của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiếu với tỷ lệ gần như tuyệt đối khuyến nghị rằng nhân viên y tế và những người sống trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe lâu dài phải là những đối tượng được ưu tiên tiếp cận vaccine trong giai đoạn đầu tiên. Đây là 2 nhóm có số ca tử vong chiếm khoảng 40% số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ.
Dự kiến, mỗi người sẽ được tiêm 2 liều, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 3 tuần (nếu dùng vaccine của Pfizer), hoặc cách nhau 4 tuần (nếu dùng vaccine của Moderna).
Trong khi đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/12 đã ấn định khung thời gian rõ ràng để khởi động các chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Trước đó, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp đặc biệt, muộn nhất là trong ngày 29/12, cân nhắc việc cấp phép khẩn cấp để bắt đầu tiêm những liều vaccine đầu tiên do Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty Công nghệ sinh học BioNtech (Đức) phát triển. EMA cũng sẽ tổ chức một cuộc họp khác muộn nhất vào 12/1/2021 để đánh giá đề nghị trên.
Phát biểu ý kiến trước báo giới, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Stefan de Keersmaecker cho biết, nếu EMA cấp phép theo quy định, EU sẽ chính thức thông qua sau đó rất nhanh, có thể chỉ "trong vài ngày".
Đề cập đến chương trình tiêm chủng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, các nhóm dễ bị tổn thương và có nguy cơ phơi nhiễm virus nhất sẽ là những đối tượng ưu tiên trong đợt đầu tiêm vaccine vào đầu năm 2021. Những thành phần còn lại sẽ được tiêm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2021.
Tại Đức, chính phủ hy vọng sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào quý 1/2021. Nước này đang chuẩn bị các trung tâm tiếp nhận vaccine để phục vụ cho chương trình tiêm chủng toàn quốc.
Cùng ngày, Tây Ban Nha thông báo sẽ mua thêm hơn 50 triệu liều vaccine của 3 hãng dược phẩm, trong đó có Moderna, nâng tổng số vaccine đặt mua của nước này lên thành 105 triệu liều. Tháng trước, Madrid cũng cho biết đã đặt mua thêm hơn 20 triệu liều vaccine của BioNTech/Pfizer. Cùng với kế hoạch tiêm chủng, Tây Ban Nha cũng khánh thành một khu phức hợp y tế mới khổng lồ, được xây dựng chỉ 3 tháng, với chi phí gần 100 triệu euro (120 triệu USD) nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện tại vùng thủ đô Madrid, vốn đã rơi vào tình trạng quá tải trong đợt đầu tiên dịch bùng phát.
Từ nhiều tháng qua, các công ty dược phẩm trên thế giới đã chạy đua với thời gian để tìm ra vaccine ngừa COVID-19. Theo dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn được công bố vào tháng trước, cả 2 loại vaccine của Moderna (Mỹ) và BioNTech/Pfizer đều an toàn và có hiệu quả lên tới 95%.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo dựa trên giả định việc phân phối vaccine có thể bắt đầu trong vài tuần tới, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2021.
An Bình