Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ (để ngăn chặn hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc). Đáp trả hành động của Mỹ, ngày 2/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ... Từ đó đến nay, sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới hai nước và tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu.

Theo đó, việc đánh thuế của Mỹ đối với Trung Quốc đang gây tổn hại cho nền kinh tế của cả hai nước, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong thương mại song phương và làm tăng giá tiêu dùng. Điều này cũng có tác động chuyển hướng thương mại đáng kể, bao gồm cả nhập khẩu tăng từ các quốc gia không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến thương mại.

"Kết quả của nghiên cứu đóng vai trò là một cảnh báo toàn cầu" – bà Pamela Coke Hamilton, Giám đốc Thương mại quốc tế và các sản phẩm cơ bản của UNCTAD nêu rõ, đồng thời mô tả cuộc chiến thương mại là "kẻ thua cuộc" khi không chỉ gây hại đối với các đối thủ cạnh tranh chính, mà "cũng gây nguy hiểm cho sự ổn định của nền kinh tế thế giới và tăng trưởng trong tương lai".

Thương mại các loại hàng hóa bị đánh thuế trong các lĩnh vực như hóa chất, đồ nội thất và máy móc điện đã giảm đáng kể. Mặc dù nghiên cứu không kiểm tra tác động của giai đoạn gần đây nhất của cuộc chiến thương mại, nhưng nó cảnh báo rằng sự leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại vào mùa hè năm 2019 có thể đã làm tăng thêm những tổn thất hiện có.

Người tiêu dùng Mỹ bị thiệt hại đầu tiên

Báo cáo của UNCTAD cũng cho thấy việc áp thuế của Mỹ đã dẫn đến tổn thất 25% cho xuất khẩu, gây thiệt hại 35 tỷ USD cho xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ đối với các sản phẩm bị đánh thuế trong nửa đầu năm 2019.

Hơn nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Một phân tích thống kê thương mại được công bố gần đây cho thấy người tiêu dùng Mỹ chịu phần thuế lớn nhất của Mỹ đối với Trung Quốc, vì các chi phí liên quan đã được chuyển cho họ cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu dưới dạng giá thành sản phẩm cao hơn.

Mặc dù không tính đến tác động từ việc áp thuế của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kết quả định tính rất giống nhau: giá cao hơn cho người tiêu dùng Trung Quốc, thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Mỹ, và lợi nhuận thương mại cho các nước khác.

Ngoài ra, các ngành máy văn phòng và thiết bị truyền thông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chịu mức giảm 15 tỷ USD nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, thương mại các sản phẩm bị đánh thuế trong lĩnh vực này giảm trung bình 55%.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng tiết lộ rằng các công ty Trung Quốc gần đây đã bắt đầu giảm giá xuất khẩu của họ. Việc làm này cũng cho thấy khả năng cạnh tranh của các công ty Trung Quốc, mặc dù bị áp mức thuế đáng kể song vẫn duy trì 75% xuất khẩu của họ sang Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mang lại lợi ích cho một số nước

Theo UNCTAD, ở phạm vi toàn cầu, việc áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc đã khiến những đối tác thương mại khác cạnh tranh hơn ở thị trường Mỹ và có hiệu ứng chuyển hướng thương mại. Trong số 35 tỷ USD thiệt hại do xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ, khoảng 21 tỷ USD (tương đương 63%) đã được chuyển sang các nước khác, trong khi phần còn lại, tương đương 14 tỷ USD, đã được chuyển hướng sang các nước khác, hoặc bị mất hoặc bị thu hồi bởi các nhà sản xuất Mỹ.

UNCTAD lưu ý rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho người hàng xóm Mexico khi nước này tăng xuất khẩu sang Mỹ thêm 3,5 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực nông sản, thiết bị vận tải và máy móc thiết bị điện. Liên minh châu Âu cũng đạt được khoảng 2,7 tỷ USD nhờ xuất khẩu tăng, chủ yếu trong lĩnh vực máy móc.

Những lợi ích do chuyển hướng thương mại của Hàn Quốc, Canada và Ấn Độ nhỏ hơn nhưng vẫn đáng kể, từ 0,9 – 1,5 tỷ USD. Những lợi ích còn lại dành cho phần lớn các nước Đông Nam Á khác. Cuối cùng, UNCTAD chỉ ra rằng các hiệu ứng do chuyển hướng thương mại đối với các nước châu Phi là rất nhỏ.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, UNCTAD hy vọng "một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xoa dịu những căng thẳng thương mại này"./.

Khánh Linh (Theo UN, UNCTAD, AFP)