Báo chí nước ngoài đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố lệnh áp thuế 10% với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Con số này được cảnh báo là có thể tăng lên mức 25% vào cuối năm 2018. Đây là gói áp thuế thứ 3 mà chính quyền Mỹ áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, với mục tiêu nhằm gây sức ép để buộc Bắc Kinh thay đổi lối hành xử thương mại – vốn bị ông D.Trump cáo buộc là đang gây tổn hại tới các công ty Mỹ.
Đáp lại, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế tương ứng lên 5.207 hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng, cà phê, các loại dầu ăn khác nhau sẽ phải chịu mức thuế 10%, trong khi mức thuế 5% sẽ được áp đối với các mặt hàng rau củ cấp đông, bột cacao và các sản phẩm hóa học.
Chỉ vài giờ sau khi các biện pháp áp thuế mới của Mỹ phát huy hiệu lực, hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích “chính sách bắt nạt thương mại” của Washington. Bên cạnh đó, Xinhua cũng nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán với Washington, dựa trên nền tảng của sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Cũng trong ngày 24/9, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng nhằm làm sáng tỏ những thực tế liên quan tới mối quan hệ về thương mại và kinh tế với Mỹ, đồng thời bày tỏ lập trường của Trung Quốc và đưa ra một số giải pháp liên quan tới vấn đề này. Trừ phần mở đầu, Sách Trắng gồm 36.000 chữ, được chia là 6 phần bao quát từng nội dung cụ thể.
Sách Trắng nêu rõ, Trung Quốc là một nước đang phát triển hàng đầu thế giới và Mỹ là một nước phát triển hàng đầu thế giới. Chính vì thế, các mối quan hệ về thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả hai nước mà còn góp phần duy trì ổn định và phát triển đối với kinh tế thế giới. Theo Sách Trắng, Mỹ và Trung Quốc đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau và duy trì các hệ thống kinh tế khác nhau. Bởi vậy, việc tồn tại những khác biệt về thương mại là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề chủ chốt nằm ở cách thức tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác và giải quyết bất đồng. “Dựa trên tinh thần bình đẳng, sự hợp lý và tìm ra điểm chung, hai nước cần thiết lập một số cơ chế liên hệ và phối hợp như Ủy ban chung về Thương mại, Đối thoại Kinh tế và Chiến lược, và các vòng Đối thoại Kinh tế toàn diện” – Sách Trắng nêu rõ.
Cuối tuần trước, Trung Quốc đã từ chối lời mời của Mỹ nhằm tái khởi động các vòng đàm phán thương mại và hiện vẫn chưa rõ khi nào các quan chức của hai nước có thể tiến hành các cuộc gặp gỡ tiếp theo. Kể từ khi Tổng thống Mỹ D.Trump công bố gói thuế bổ sung đầu tiên nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc hồi tháng 7/2018, Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp trả đũa tương ứng. Bộ Tài chính Trung Quốc đã chỉ trích chính sách của Tổng thống D.Trump là “mang tính đơn phương và bảo hộ thương mại”. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại nhận định rằng nước này sẽ được “hưởng lợi” trong cuộc tranh cãi về thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, trả lời hãng Fox News, ngày 23/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Washington sẽ nắm thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Ông Pompeo cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Washington đang tiến gần hơn tới mục tiêu buộc Trung Quốc “hành xử theo vị trí của một cường quốc toàn cầu”, minh bạch, thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, đại diện ngoại giao này cũng cho biết thêm, Tổng thống D.Trump đang muốn đẩy mạnh các chính sách mà người lao động Mỹ xứng đáng được hưởng./.
Thu Lan (Theo Fox News, NHK, Xinhua, CNBC)