Cuba mở rộng hợp tác với các đối tác tại Hội nghị Thượng đỉnh CELAC-EU 

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez bày tỏ hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh CELAC-EU sẽ là cơ hội để mở rộng hợp tác toàn diện và cùng có lợi trong các lĩnh vực ưu tiên cao.
Cuba mở rộng hợp tác với các đối tác tại Hội nghị Thượng đỉnh CELAC-EU

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez ngày 10/7 cho biết nước này sẽ nỗ lực mở rộng hợp tác tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC).

Các nguyên thủ của cả hai khối cộng đồng sẽ gặp mặt trực tiếp tại Hội nghị Thượng đỉnh CELAC-EU, dự kiến diễn ra vào ngày 17 và 18/7 tới tại Brussels.

Đây sẽ là cuộc gặp thứ ba giữa các nhà lãnh đạo của cả hai liên minh khu vực và là cuộc gặp đầu tiên trong 8 năm qua.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba khẳng định La Habana sẽ tham dự sự kiện này với tinh thần xây dựng và sẽ đóng góp nhiều nhất có thể, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác giữa CELAC và EU, vì lợi ích của nhân dân hai khu vực và thế giới.

Ông Rodríguez bày tỏ hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh CELAC-EU sẽ là cơ hội để mở rộng hợp tác toàn diện và cùng có lợi trong các lĩnh vực ưu tiên cao, như tài trợ cho phát triển, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng tái tạo...

Cuba mong muốn Hội nghị Thượng đỉnh CELAC-EU trở thành không gian dành cho đối thoại nghiêm túc và đa dạng, trong đó xác định các giải pháp để cùng nhau đối mặt nhiều thách thức toàn cầu, bất chấp những khác biệt.

EU là đối tác thương mại hàng đầu của Cuba (chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất nhập khẩu) và là nguồn cung khách du lịch lớn thứ hai của “Hòn đảo Tự do”, chỉ sau Canada.

Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với EU vào ngày 29/9/1988 và có quan hệ ngoại giao đầy đủ với tất cả 27 quốc gia thành viên của khối này.

Hai bên cam kết tôn trọng lẫn nhau bất chấp các lệnh bao vây cấm vận.

[CARICOM yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các chính sách trừng phạt Cuba và Venezuela]

EU và Cuba duy trì các dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại đảo quốc Caribe này.

Hai bên cũng quan tâm đến hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ truyền thông, văn hóa và công nghệ sinh học.

EU cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ Latinh và Caribe, với gần 300 tỷ euro (hơn 330 tỷ USD) giá trị thương mại song phương giữa hai khu vực trong năm 2022.

EU hiện đang triển khai dự án đầu tư kéo dài tới năm 2027 tại khu vực này, dự kiến trị giá khoảng 10 tỷ euro.

Ðây là khoản đầu tư quốc tế nằm trong khuôn khổ chương trình Cổng Toàn cầu (Global Gateway), một sáng kiến của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm cung cấp khoảng 300 tỷ euro cho các dự án phát triển bền vững, chủ yếu là chuyển đổi xanh và kỹ thuật số ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

 

62 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 718
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 718
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77378151