Công tác gia đình ở tỉnh ta sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 

Ngày 02/7/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới”. Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trong thời điểm các mục tiêu nhiệm vụ về công tác gia đình được đề ra tại Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 26/7/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XIV “Về công tác dân số - gia đình và trẻ em trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa” đã hết thời hạn thi hành .

Trong lúc đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng mới ban hành Thông báo Kết luận số 26- TB/TW “về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ; Chính phủ ban hành Nghị định quy định về công tác gia đình [1]. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là trên cơ sở khẳng định những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cần tập trung phân tích nguyên nhân những hạn chế mà Chỉ thị đã chỉ rõ, từ đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp căn cứ tình hình của địa phương, đơn vị kịp thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để làm tốt công tác gia đình, coi gia đình là yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, của quê hương.

       Với tinh thần đó, sau 5 năm triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy công tác gia đình đã đạt được một số kết quả quan trọng, tựu trung trên các mặt sau:

Về bộ máy làm công tác gia đình, năm 2013, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh được thành lập với  17 thành viên. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình. Sở đã thành lập Phòng Xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình với chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho lãnh đạo Sở về công tác gia đình. Ở cấp huyện: công tác gia đình được giao cho phòng Văn hóa- Thông tin. Đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều có bố trí 02 cán bộ, trong đó  1 đồng chí phó trưởng phòng phụ trách và 01 chuyên viên; Cấp xã, hầu hết đều bố trí công chức Văn hoá - Xã hội hoặc cán bộ Văn hóa - Thông tin kiêm nhiệm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình được quan tâm. Trong 5 năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã mở 20 lớp tập huấn về nghiệp vụ gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, thành viên nhóm phòng chống bạo lực gia đình [2] ; 01 lớp tập huấn nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình ở miền núi của tỉnh Quảng Trị cho cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch, cán bộ phụ trách điểm vui chơi cho trẻ em thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Nhìn chung, hệ thống tổ chức cán bộ làm công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước củng cố, kiện toàn; chất lượng ngày càng được nâng cao.

Về giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, đã tập trung tuyên truyền giáo dục về đời sống gia đình thông qua việc phổ biến các văn bản, các quy định của Đảng, nhà nước về công tác gia đình; triển khai thực hiện các đề án, chương trình về tuyên truyền đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam ”Đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ”...; thông qua phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá, làng văn hoá” những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được kế thừa, phát huy mạnh mẽ; đồng thời, các hủ tục lạc hậu dần dần được loại bỏ, tệ mê tín dị đoan được hạn chế và từng bước đẩy lùi. Tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống; các gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền…ngày càng nhiều. Những giá trị nhân văn mới như bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội ngày càng được đề cao. Các phong trào thi đua “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng mô hình gia đình nhỏ ít con”, phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” phát triển cả về số lượng và ngày càng nâng cao chất lượng, phong trào xây dựng gia đình thể thao, gia đình sức khỏe, gia đình hiếu học…được lồng ghép góp phần phát triển gia đình bền vững. Việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được các gia đình quan tâm. Nhờ vậy, số gia đình đạt chuẩn văn hoá năm sau cao hơn năm trước. Năm 2013, toàn tỉnh có 132.650 gia đình (86,1%) thì đến năm 2017 đã có 148.908/164.458 (90,5 %) gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Số Số vụ bạo lực gia đình được giảm dần [3]

Và cuối cùng là đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hộ tiên tiến góp phần xóa đói giảm nghèo.. 5 năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, thi đua làm giàu chính đáng. Từ phong trào, phát triển kinh tế hộ gia đình đã có nhiều cách làm hay, thiết thực mang lại hiệu quả cao như: Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ  các cấp đã tín chấp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để cho hội viên vay với lãi suất ưu đãi; người khá giã cho người khó vay không lấy lãi; giúp đỡ ngày công, vật tư, thiết bị, hàng hóa, cây con các loại; chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn để phát triển sản xuất; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa Đảng, Nhà nước và cộng đồng tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân vươn lên thoát nghèo và nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần.  Năm 2017 thu nhập bình quân đầu người tỉnh đạt 39,2 triệu đồng/  năm (tăng hơn 30 % so với năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo đơn chiều năm 2013: 11,56%;  tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2017 còn 11,52%. Về công tác giải quyết việc làm- xuất khẩu lao động, năm 2017 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 11.782 lượt lao động so với năm 2013 tăng  1450 lượt người.

  Sau 5 năm triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy công tác gia đình ở tỉnh ta đã có nhiều tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tuy nhiên đối chiếu với yêu cầu đã nêu tại Chỉ thị vẫn còn một số khó khăn thách thức: Trước hết, một số hạn chế, tồn tại đã nêu tại Chỉ thị như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ giới tính khi sinh gia tăng; kinh phí hoạt động... tuy có khắc phục nhưng rất chậm; Cán bộ chuyên trách công tác gia đình các cấp, nhất là cấp cơ sở vừa thiếu, vừa yếu về nghiệp vụ lại kiêm nhiệm nhiều việc, nên việc tham mưu, đề xuất tổ chức thực hiện còn bất cập. Công tác gia đình nhìn chung vẫn chưa khởi sắc.

Để công tác gia đình đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới” gắn với việc việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đảo của Đảng đối với cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ; Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 13-CTHĐ/TU, ngày 15/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”; Chương trình hành động số 100-CTHĐ/TU, ngày 16/10/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương Đàng (Khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống gia đình để mỗi gia đình phải thực sự là môi trường lành mạnh, tổ ấm, là nền tảng, tiền đề hình thành nhân cách con người; cùng với nhà trường, xã hội làm tốt hơn nữa việc giáo dục nhân cách, lối sống góp phần đề kháng trước mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống.   Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là kinh tế hộ gia đình gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chương trình xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm, cần có chính sách khuyến khích các hộ có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển ngành nghề góp phần tạo việc làm, thu nhập trong cộng đồng.

            Tin rằng, với kinh nghiệm và quyết tâm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác gia đình tỉnh ta trong thời gian tới sẽ gặt hái thành công.

                                                                                                                                    Nguyễn Trí Ánh

                                                                                                                            (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

      [1] Nghị định số 02/2013/NĐ-CP, ngày 03/01/2013

[2]  Tại xã Hải Thượng, Hải Lăng, xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh.

[3]  Năm 2013 xảy ra 828 vụ, năm 2017 chỉ còn 460 vụ

1351 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 779
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 779
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76848217