Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã đột kích Al-Baghdadi ở Tây Bắc Syria và Al-Baghdadi đã chết "một cách hèn nhát" sau khi cho nổ đai bom quấn quanh người y. Tổng thống Mỹ khẳng định xét nghiệm DNA sau phẫu thuật chính thức xác định đó là Al-Baghdadi, đồng thời nhấn mạnh Al-Baghdadi bị tiêu diệt là một đòn giáng mạnh vào IS.

"Tôi muốn cảm ơn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq. Tôi cũng muốn cảm ơn người Kurd ở Syria vì sự hỗ trợ họ có thể cung cấp cho chúng tôi. Đó là một nhiệm vụ rất, rất nguy hiểm” – ông Trump nói thêm.

Tuy nhiên, sau thông báo của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ không có thông tin đáng tin cậy về cái chết của Al-Baghdadi. Trong tuyên bố được đưa ra, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: Tăng số lượng người tham gia trực tiếp và các quốc gia tham gia vào "hoạt động" này, mỗi đối tượng lại đưa ra những chi tiết hoàn toàn trái ngược nhau, làm phát sinh câu hỏi và nghi ngờ về tính thực tế và sự thành công của nó.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachyov thì cho hay: "Chống khủng bố là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với việc tiêu diệt thể xác các lãnh đạo của chúng".

Đáp lại thông báo của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Viễn thông Iran Mohammad Javad Azari Jahromi trả lời trên Twitter: "Không có gì to lớn cả! Các bạn đơn giản đã giết chết thứ mà các bạn tạo ra". Còn người phát ngôn của chính phủ Iran Ali Rabiei viết: Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt sẽ chưa chấm dứt sự tồn tại của IS và hệ tư tưởng của chúng.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Cái chết của Al-Baghdadi là một đòn nặng nề đối với IS, nhưng đây chỉ là một đoạn đường. Cùng với các đối tác của chúng tôi trong liên quân quốc tế, cuộc chiến (chống IS) sẽ tiếp diễn để đánh bại tổ chức khủng bố này. Đó là ưu tiên của chúng tôi tại khu vực Trung Đông”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly viết trên Twitter: "Baghdadi: nghỉ hưu sớm cho một kẻ khủng bố, nhưng không phải cho tổ chức của anh ta". “Tôi chúc mừng đồng minh Mỹ về chiến dịch vừa qua. Tâm trí tôi hôm nay hướng tới tất cả những nạn nhân của sự điên rồ mà Bagdhadi đã gieo rắc cũng như những tên tội phạm theo đuôi hắn ta" – ông Florence Parly viết.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho rằng Al-Baghdadi bị tiêu diệt là “mốc quan trọng” trong cuộc chiến chống khủng bố, song cuộc chiến chống IS vẫn chưa kết thúc. Ông Johnson cam kết Anh sẽ phối hợp các đối tác trong liên quân chống IS để đặt dấu chấm hết đối với những hành vi giết người man rợ của IS.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đánh giá việc tiêu diệt thủ lĩnh của IS đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực chống khủng bố như nước này vẫn làm trước đây.

Trong tuyên bố được đưa ra, ông Fahrettin Altun, cố vấn cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, nêu rõ: "Thổ Nhĩ Kỳ tự hào vì đã giúp Mỹ, đồng minh NATO của chúng tôi, đưa một kẻ khủng bố khét tiếng ra công lý”; đồng thời khẳng định: "Thổ Nhĩ Kỳ... sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ cùng các nước khác để chống khủng bố dù chúng ở bất kỳ hình thức và biểu hiện nào. Đã đến lúc hợp lực và đánh bại tất cả các nhóm khủng bố trong khu vực".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gửi lời chúc mừng người đồng cấp Mỹ vì "thành tích ấn tượng" là đã tiêu diệt được thủ lĩnh IS Baghdadi. "Điều đó phản ánh quyết tâm chung của chúng ta, của Mỹ và tất cả những quốc gia khác trong cuộc chiến chống khủng bố. Thành tích này là một cột mốc quan trọng song chiến dịch vẫn ở phía trước" – ông Netanyahu nhấn mạnh.

Theo tờ Washington Post, Javed Ali, một cựu giám đốc chống khủng bố tại Nhà Trắng, cho biết cái chết của Al-Baghdadi sẽ là một "cú đánh lớn" nhưng IS cũng đã chứng tỏ khả năng phục hồi của nó.

Tân Hoa xã thì dẫn lời Najib Khalaf, nhà phân tích chính trị và giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Iraq, cho rằng: "Cái chết của anh ta chắc chắn sẽ có tác động đến nhóm khủng bố, nhưng chắc chắn sẽ là một chiến thắng chiến thuật mang tính biểu tượng và ngắn ngủi trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Al-Baghdadi, tên thật là Ibrahim Awwad Ibrahim al-Badri, sinh năm 1971 tại thành phố Samarra ở Iraq, trong một gia đình Hồi giáo Sunni. Theo NBC, có rất ít thông tin về Al-Baghdadi dù tên này chỉ huy một lực lượng hàng nghìn tay súng từng tạo dựng một lãnh thổ Hồi giáo dòng Sunni tại vùng biên giới giữa Iraq và Syria.

Al-Baghdadi đã tuyên bố thành lập một nhóm có tên là "Nhà nước Hồi giáo" vào tháng 6/2014.

Năm 2016, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao phần thưởng lên tới 25 triệu USD cho bất kỳ thông tin nào dẫn đến việc tên này bị bắt hoặc tiêu diệt./.

Khánh Linh (Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)