Chủ tịch ADF Vusumuzi Sibanda (Vu-xu-mu-di Xi-ban-đa) cho biết bên cạnh kêu gọi việc chấm dứt các cuộc tấn công vào người nước ngoài, tổ chức này cho rằng Chính phủ Nam Phi vẫn chưa tiến hành một cách triệt để việc bắt giữ và xét xử những nghi phạm này. Ông Sibanda nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần phải khẩn trương tiến hành các biệt pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn khả năng bùng phát các tấn công nhằm vào người nước ngoài trong thời gian tới.
Theo ADF, từ ngày 25/3, làn sóng tấn công người nước ngoài bắt đầu nổ ra tại thành phố cảng Durban nằm ở phía Đông nước này. Các kẻ quá khích đã chặn xe và hành hung người nước ngoài ngay trên phố cũng như tấn công các cơ sở kinh doanh và nhà ở của những người này. Các vụ tấn công đã khiến ít nhất 6 người người thiệt mạng và hàng chục người bị thương nặng. Ngoài ra, khoảng 300 người mang quốc tịch nước ngoài đã phải tìm đến các đồn cảnh sát để lánh nạn.
Tuy nhiên, ADF cho biết cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghi phạm nào bị bắt cũng như đưa ra xét xử, tình trạng được cho là tương tự như làn sóng tấn công nhằm vào người nước ngoài lên đến đỉnh điểm vào năm 2008 và 2015 khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người bị mất nhà cửa.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc chi nhánh Nam Phi của Tổ chức Theo dõi nhân quyền Dewa Mavhinga (Đê-oa Ma-hin-ga) cho rằng khả năng tái hòa nhập của cộng đồng người nước ngoài tại Nam Phi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa nếu những kẻ gây ra các vụ tấn công đẫm máu trong thời gian vừa qua không bị đưa ra xét xử.
Ngày 31/3, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Nam Phi (DIRCO) Lindiwe Sisulu (Lin-đi-uê Xi-xu-lu) đã phải tiến hành cuộc họp khẩn cấp giữa DIRCO với đại sứ các nước châu Phi tại Pretoria để thảo luận về tình trạng bạo lực chống lại người nước ngoài đang diễn ra tại đây.
Tại cuộc họp, bà Sisulu bày tỏ quan ngại sâu sắc về làn sóng bạo lực, cướp bóc hàng hóa, phá hoại tài sản nhằm vào người nước ngoài diễn ra tại thành phố Durban. Bà Sisulu kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật Nam Phi xử lý nghiêm khắc các hành vi tấn công người nước ngoài cũng như gây thiệt hại tài sản của cộng đồng này.
Theo Trung tâm Di cư và Xã hội châu Phi (ACMS), làn sóng bạo lực nhằm vào người nước ngoài từng lên đến đỉnh điểm vào năm 2008 khiến 100 người thiệt mạng và năm 2015 với hơn 60 người thiệt mạng. Riêng trong năm 2018, có hơn 40 người nước ngoài đã thiệt mạng sau những vụ tấn công tại Nam Phi. Theo một số liệu thống kê không chính thức, có khoảng 3,5 triệu người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại quốc gia có dân số 56 triệu người này./.
Phi Hùng/TTXVN