Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết: Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, thông qua 12 luật và một số Nghị quyết. Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật về tư pháp, quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội... Trong đó, đáng chú ý có những dự án luật, nghị quyết quan trọng được cử tri, doanh nghiệp quan tâm như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự…
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo. (Ảnh: TH)
Riêng đối với dự án Luật Quy hoạch, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp thứ 3 do dự án Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, cần thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 06 dự án luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành lâm nghiệp, thủy sản; tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, góp phần tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển để xây dựng đất nước…
Cũng tại kỳ họp này, thực hiện chức năng giám sát tối cao, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Quốc hội đã tập trung đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân những mặt đạt được cũng như những yếu kém, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017… Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch cả năm 2017.
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”. Đây là nội dung giám sát rất quan trọng, liên quan đến tình hình an toàn thực phẩm rất bức xúc hiện nay, được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, một trong những kết quả nổi bật trong kỳ họp thứ 3 là không khí dân chủ đổi mới, sôi nổi từ “Quốc hội phát biểu” sang “Quốc hội tranh luận”. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn trong phát biểu ý kiến và đặc biệt tích cực tranh luận với các thành viên Chính phủ và các vị đại biểu khác để làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và đi tới cùng vấn đề.
Bên cạnh đó, sự điều hành linh hoạt của Chủ tọa phiên họp và tăng thêm thời gian chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày tạo điều kiện cho các đại biểu trao đổi nhiều hơn các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Lý giải việc Dự thảo Luật Quy hoạch chưa thông qua tại kỳ họp thứ 3, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là dự án luật quan trọng, quy hoạch tổng thể quốc gia, qua đánh giá tác động liên quan đến rất nhiều luật (95 luật), đồng thời vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Dự kiến ngày 1/1/2019 Luật sẽ có hiệu lực, tuy nhiên do thời gian ngắn liệu có đủ để sửa các luật khác hay không, do đó Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, báo cáo Quốc hội trong kỳ họp sau.
Đối với dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), còn nhiều ý kiến trái chiều như: có cho phép tố cáo bằng nhiều hình thức hay không? Bảo vệ người tố cáo như thế nào?... do đó cần phải bàn bạc kỹ lưỡng.
“Tinh thần không chạy theo số lượng mà chú trọng bảo đảm chất lượng thì mới bảo đảm được tuổi thọ cũng như tính khả thi khi đạo luật đi vào cuộc sống”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết./.
Thu Hằng